Kiên cố hóa trường lớp còn là trăn trở lớn của nhiều địa phương

Việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục và các cấp chính quyền địa phương.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung "triển khai chương trình đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%".

Trở ngại trong kiên cố hóa trường lớp tại các tỉnh miền núi

Là một tỉnh miền núi biên giới, địa bàn bị chia cắt; dân cư sống phân tán, đường giao thông không thuận tiện, việc kiên cố hóa trường lớp tại Sơn La là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhiều trường học nằm cách xa khu dân cư, đường đến trường là những con đường đèo dốc, hiểm trở. Việc đến trường của học sinh và giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết, hiện nay Sơn La có tổng cộng 610 trường học trung tâm, chia ra làm 981 điểm trường (243 điểm chính, 738 điểm trường lẻ). Số trường có 6 điểm trường trở lên là 23 trường. Đặc biệt, có đến 13 điểm trường có điểm lẻ cách trường trung tâm trên 10km.

Sĩ số học sinh các lớp không đồng đều, ở các điểm trường lẻ, số học sinh trên một lớp ít và còn 270 lớp ghép. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cấp tiểu học mới đạt trên 80%. Số phòng học đã được kiên cố là 9968 phòng, chiếm tỷ lệ 73,3%, tăng 0,4% so với năm 2023. Tuy nhiên toàn tỉnh số phòng học mượn, phòng học tạm vẫn còn chiếm 1,95%.

 Cung đường đến trường Mầm non Cò Tong, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp)

Cung đường đến trường Mầm non Cò Tong, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp)

 Mỗi ngày, các thầy cô dạy Trường Mầm Non Cò Tong phải vượt qua hàng chục km đường đất đá mới tới được trường. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp)

Mỗi ngày, các thầy cô dạy Trường Mầm Non Cò Tong phải vượt qua hàng chục km đường đất đá mới tới được trường. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp)

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, ở một số cơ sở, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách về xã hội hóa giáo dục chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, kết quả trong việc triển khai những hoạt động hỗ trợ kiên cố hóa trường lớp còn hạn chế.

Tương tự như Sơn La, Đắk Nông cũng là một tỉnh có vị trí địa lý không thuận tiện, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều trường học nằm ở vùng sâu, vùng xa cùng với đời sống, điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn. Chính vì thế, vấn đề thực hiện kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông thông tin: Nguồn kinh phí của địa phương còn ít nên chưa thể thực hiện theo quy định về duy tu, bảo dưỡng công trình và kiên cố hóa trường lớp theo kế hoạch đề ra.

Hiện cả tỉnh có 5.460 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong đó số phòng học kiên cố là 3.553 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 65%.

 Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. (Số liệu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cung cấp)

Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. (Số liệu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cung cấp)

Ngoài ra, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cũng cho biết thêm, nguồn vận động theo Thông tư 16/2018/TT- BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân còn hạn chế. Kinh phí chủ yếu dùng để bổ sung thiết bị và sửa chữa nhỏ, đối với các hạng mục kiên cố hóa cần phải dựa vào nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho hay: "Trên toàn tỉnh, hệ thống trường, lớp đã được quy hoạch, sắp xếp phù hợp; cơ sở vật chất của các trường học đã được tỉnh quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hiện tại tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,8%. Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%".

Nỗ lực kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo môi trường học tập cho học sinh

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, ngành giáo dục các địa phương đã nỗ lực không ngừng trong việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện học tập cho học sinh.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục theo phân cấp thực hiện xây dựng kế hoạch trình cấp thẩm quyền để đầu tư xây dựng duy tu bảo dưỡng công trình thực hiện kiên cố hóa trường lớp học.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 26/7/2022 quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Nhiều trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã huy động được sự viện trợ, tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp xây dựng được một số công trình phụ trợ và trang thiết bị như: tường rào, sân bê tông, cổng trường, giếng khoan, máy vi tính, tivi, trang thiết bị phục vụ hiệu quả trong công tác quản lý, dạy học...

 Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Ảnh: Website nhà trường)

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Ảnh: Website nhà trường)

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện kiên cố hóa trường lớp, tỉnh Sơn La cũng đưa ra nhiều giải pháp. Điển hình như tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2025; huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho giáo dục và đào tạo; thực hiện chính sách phát triển xã hội hóa giáo dục. Nhờ đó, giai đoạn từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn đã có 428 phòng học được sửa chữa, xây mới, 110 phòng ở công vụ cho các thầy cô với tổng kinh phí được hỗ trợ là 134.975 triệu đồng.

 Trường Trung học phổ thông Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu dạy và học. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp).

Trường Trung học phổ thông Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu dạy và học. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cung cấp).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, địa phương phấn đấu đến 2025 nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp; giải quyết tình trạng phòng học nhờ, bổ sung thêm nhà vệ sinh và công trình nước sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Trong đó, mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, đạt 80% tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt 100% tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên.

Cần tăng cường xã hội hóa giáo dục

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp là tăng cường, huy động xã hội hóa giáo dục.

Ông Đào Anh Tuấn cho hay: "Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xã hội hóa giáo dục.

Sở sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn từ các nguồn đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác. Đặc biệt, đảm bảo sự tham gia tài trợ, viện trợ theo đúng quy định của pháp luật".

Để đạt được mục tiêu về kiên cố hóa trường lớp đã đặt ra, Phó Giám đốc phụ trách Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đề xuất một số giải pháp:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô trường, lớp học một cách hợp lý trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nhằm thực hiện các đề án phát triển giáo dục, chương trình, kế hoạch để nâng cao chất lượng giáo dục.

Xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục.

 Trường Mầm non Cò Tong, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cung cấp)

Trường Mầm non Cò Tong, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cung cấp)

Tương tự, tại Đắk Nông, một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa trường lớp là tăng cường, huy động xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nên công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cũng mong muốn bổ sung nguồn kinh phí thực hiện duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất nhằm chống xuống cấp công trình và bổ sung các thiết bị hư hao khác.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La kiến nghị các cấp, chính quyền phối hợp với ngành giáo dục xây dựng nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục cho toàn xã hội. Lựa chọn hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng khu vực, xây dựng chuyên mục “Xã hội hóa giáo dục và đào tạo” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, phụ huynh học sinh là nhân tố tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục. Chính vì vậy, nhà trường cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch, huy động sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh, phát huy khả năng và lòng nhiệt tình của phụ huynh học sinh.

“Qua thực tế, phụ huynh học sinh đã đưa ra những ý kiến hay giúp các trường có những quyết định đúng đắn. Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh tăng trong những năm gần đây. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học”, Phó Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng nhận định.

Huyền Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-co-hoa-truong-lop-con-la-tran-tro-lon-cua-nhieu-dia-phuong-post244886.gd