Kiên cố 'Thành lũy mềm'

Từ khi còn non trẻ, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Con số đảng viên chưa đông nhưng vô cùng chất lượng và nguyện suốt đời cống hiến, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Những người đảng viên luôn không ngừng trui rèn phẩm chất và nguyện một lòng đi theo Đảng, thực hiện theo lời răn dạy của Bác Hồ: 'Đảng không chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đày tớ cho dân… chứ không phải là 'quan' nhân dân'.

Bài 1
VƯƠN TỚI MẶT TRỜI

Lựa chọn tiến bước theo Đảng, nhiều quần chúng ưu tú đã không ngừng nỗ lực, tạo được sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức và hành động; đứng vào hàng ngũ của Đảng vì tổ chức, vì nhân dân mà phục vụ. Nhiều người đã suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng ban đầu và quyết tâm một khi đã được vào tổ chức thì sẵn sàng hiến dâng tài trí phục vụ đất nước, phục vụ Đảng và nhân dân.

Một đời phấn đấu vào Ðảng

Bước chân theo con đường cách mạng từ năm 14 tuổi, 53 tuổi nữ cựu chiến binh Hoàng Thị Siêu hiện cư trú xã Bom Bo, huyện Bù Đăng được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nay đã 73 tuổi, trong căn nhà kiên cố, ôn lại kỷ niệm một thời tham gia kháng chiến, bà Siêu kể, từ năm 1965, bà đã làm thông tin liên lạc ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 17 tuổi, khi đang làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích xã, bà bị địch bắt ngay tại hầm trú ẩn. Ở trong tù, dù bị tra tấn dã man, bà kiên quyết không khai báo, không làm ảnh hưởng đến cách mạng. Bà vẫn tìm tới đoàn thể, tham gia sinh hoạt Chi đoàn Thừa Thiên Huế, gia nhập đội quyết tử bảo vệ tổ chức đảng bí mật ở nhà lao. Cùng với những chị em khác, bà Siêu quyết tâm không để địch khai thác, mua chuộc. 5 năm tù đày, bà bị địch đưa đi giam cầm ở các nhà lao từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Bình Định và di chuyển đến Trại giam Phú Tài (Cần Thơ). Đến năm 1972, bà mới được trao trả tại Sân bay Lộc Ninh (Bình Phước).

Bà Hoàng Thị Siêu chia sẻ về một thời bị địch bắt giam

Sau khi được trao trả ở Sân bay Lộc Ninh, bà Siêu được vào làm việc ở Ban đón tiếp dân chính miền Nam Việt Nam. Chưa được 1 năm, Khu ủy Trị Thiên đưa bà ra miền Bắc an dưỡng. Năm 1975, bà được bổ sung vào lực lượng thành phố Huế tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Sau giải phóng, bà được tăng cường về huyện, huyện tăng cường về xã để gây dựng phong trào. Khi xã này ổn định phong trào lại đi xã khác, cứ thế chưa đến 1 năm công tác lại thuyên chuyển, bố trí đi nơi khác… do đó, bà Siêu chưa có cơ hội được kết nạp Đảng. Mãi đến năm 2004, khi bà đã có nhiều năm công tác tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc này, bà Siêu đã ngoài 50 tuổi. Sự kiên trì không biết mệt mỏi, một lòng đi theo Đảng đã đưa bà đến với chân lý, lý tưởng của mình. Bà Siêu chia sẻ thêm: Tôi tham gia cách mạng, một lòng theo Đảng, nhưng do thuyên chuyển quá nhiều, điều kiện hoàn cảnh khá đặc biệt nên kéo dài thời gian phát triển Đảng. Đến nay, ở tuổi xế chiều, tôi đã được kết nạp vào Đảng. Đó là khát vọng, là lý tưởng của bản thân được ghi nhận, đền đáp xứng đáng.

Trước đó, trên địa bàn huyện Bù Đăng có 3 quần chúng ưu tú ngoài 60 tuổi vẫn quyết tâm phấn đấu vào Đảng. Với họ, vào Đảng không phải vì chức tước, quyền vị. Họ quyết tâm vào Đảng để rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện mình, góp sức phục vụ đất nước, nhân dân. Đi hết nửa đời người, thậm chí hai phần ba cuộc đời, những quần chúng ưu tú nguyện phấn đấu vào Đảng vẫn quyết tâm, rèn chí để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bởi họ tin và quyết tâm đi theo lý tưởng cộng sản.

Nguyện giữ lời thề đảng viên

Năm 1999, vào Bình Phước lập nghiệp, đảng viên Mai Văn Thủy ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng không ngại gian khó, vượt nắng thắng mưa, linh hoạt áp dụng kỹ thuật truyền thống cũng như khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, cùng với 2 ha cao su đã cho thu hoạch, ông Thủy tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hơn 2 ha cây sầu riêng. Năm 2023, vườn sầu riêng cho thu bói 18 tấn trái, đem về doanh thu gần 1,2 tỷ đồng. Với ông, kinh tế gia đình phát triển, bản thân tham gia sinh hoạt tập thể đóng góp xây dựng xã hội là giữ đúng lời tuyên thệ của người đảng viên khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ðảng viên 45 năm tuổi Ðảng Mai Văn Thủy (trái) ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Ðăng giới thiệu về loại sầu riêng cho giá trị kinh tế cao của gia đình

Ðảng viên 45 năm tuổi Ðảng Mai Văn Thủy (trái) ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Ðăng giới thiệu về loại sầu riêng cho giá trị kinh tế cao của gia đình

Ông Thủy chia sẻ: Việc kết nạp vào Đảng những năm 70 của thế kỷ trước là rất khó. Trong cơ quan, đơn vị “so bó đũa chọn cột cờ”, những người trong cơ quan đều tốt nên muốn trở thành đảng viên bản thân phải phấn đấu, cố gắng tốt hơn, xuất sắc hơn. Và khi đã trở thành đảng viên, dù ở thời kỳ, giai đoạn, hoàn cảnh nào mình cũng phải giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mà Đảng đã rèn giũa, cùng xây dựng gia đình, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nay gần 45 năm tuổi Đảng, tôi luôn giữ trọn lời thề, không ngả nghiêng theo lợi ích cá nhân, xa rời tổ chức, quần chúng.

Kim chỉ nam trong mọi hành động

Từ chỗ chỉ có 7 thành viên, đến nay Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng đã tập hợp, đoàn kết được gần 60 thành viên ở đủ lứa tuổi cùng tham gia tập luyện dân vũ, múa, hát, dưỡng sinh. Hoạt động của CLB đã giúp nhiều thành viên không chỉ giữ gìn sức khỏe mà còn thêm yêu cuộc sống. Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Bình (67 tuổi) từng ốm nặng, tưởng chừng chỉ quanh quẩn trong sân nhà, thế nhưng nhờ tham gia CLB liên thế hệ với những bài tập dưỡng sinh, múa, hát mà bà khỏe hơn, còn đi diễn giao lưu ở các xã bạn. Bà Bình chia sẻ: Tôi bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người. Được gia đình, anh chị em động viên, tôi tham gia CLB. Từ 4 năm nay, sau quá trình luyện tập sức khỏe tôi tốt hơn.

Với lòng nhiệt huyết của Chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ Lê Văn Thú, gần 60 thành viên đủ lứa tuổi trên địa bàn xã Thọ Sơn đã cùng tham gia sinh hoạt, luyện tập dân vũ

Với lòng nhiệt huyết của Chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ Lê Văn Thú, gần 60 thành viên đủ lứa tuổi trên địa bàn xã Thọ Sơn đã cùng tham gia sinh hoạt, luyện tập dân vũ

Còn bà Nguyễn Thị Lập nay đã 78 tuổi nhưng rất khỏe khoắn, năng động. Bà Lập cho biết, CLB liên thế hệ xã Thọ Sơn như ngôi nhà thứ hai để rèn luyện thể lực và bồi đắp tinh thần. Các hoạt động thể thao, văn hóa đã trở thành liều thuốc bổ đối với thành viên CLB. Và tất cả là nhờ công sức của Chủ nhiệm CLB Lê Văn Thú.

Trong câu chuyện với người chủ nhiệm CLB gần 70 năm tuổi đời, hơn 30 năm tuổi Đảng, chúng tôi thấy ở ông Thú tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, tích cực xây dựng và nâng cao hoạt động xã hội tại địa phương. Tinh thần vì nhân dân phục vụ, chính sự đam mê với phong trào, ông Thú đã tìm hiểu và thành lập CLB liên thế hệ, gây dựng phong trào văn hóa, thể thao tạo mái nhà chung sinh hoạt cho nhiều người trên địa bàn xã. Ông Thú chia sẻ: Tôi đã được học tập, giáo dục, rèn luyện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Sống trong thời bình, càng phải phát huy khả năng để giữ trọn lời thề đảng viên, làm gương cho đảng viên trong chi bộ, người dân, tuổi trẻ thấy mình là lãnh đạo đã nghỉ hưu vẫn luôn tâm huyết xây dựng quê hương.

Khi mới ra đời, dưới ngọn cờ của Ðảng đã thống nhất thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của 20 triệu đồng bào và cũng chính là lý tưởng của 5.000 đảng viên. Và khi ở ngã ba đường của lịch sử, sự lựa chọn con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, đó là tư tưởng của Ðảng, khát vọng của 20 triệu đồng bào, 5.000 đảng viên và cũng là xu thế phát triển thời đại. Sự thống nhất giữa Ðảng với dân tộc, Ðảng đồng hành với dân tộc, dẫn dắt dân tộc thực hiện cho được kỳ vọng hiện thực độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nhà báo Nhị Lê,
nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/542/158114/kien-co-thanh-luy-mem