Kiên cường vượt qua sóng gió đại dịch COVID-19
Trong lúc khó khăn, các doanh nhân Việt đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ, cùng bắt tay nhau hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh.
TP.HCM vừa tổ chức tôn vinh 100 doanh nghiệp (DN) và 100 doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn TP. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn có nhiều DN, doanh nhân thành công nhờ sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để vượt qua thách thức. Điều này cũng thể hiện ý chí kiên cường của các doanh nhân Việt.
ÔngPHẠM XUÂN HỒNG,Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn 3:
Niềm tin, chữ tín giúp công ty giữ chân khách hàng
Đơn hàng của các công ty dệt may chắc chắn có suy giảm vì dịch bệnh và May Sài Gòn 3 cũng không là ngoại lệ. Ví dụ, May Sài Gòn 3 có thị trường khá lớn là Mỹ và Nhật, hai thị trường này có sự suy giảm đơn hàng, thậm chí có thời điểm tạm ngừng đơn hàng vì COVID-19.
Khi khó khăn xảy ra, đầu tiên chúng tôi tìm các đơn hàng nhỏ để duy trì công việc cho công nhân. Nhờ các đơn hàng tạm thời, dù có giảm công suất nhưng việc sản xuất của công ty ổn định, không có ngày dừng việc.
Mặt khác, trong một thời gian dài trước đó, chúng tôi đã xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững bằng cách luôn đảm bảo cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng đúng tiến độ. Nhờ vậy, ngay trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh, khách hàng dù giảm đơn hàng nhiều nơi nhưng vẫn ưu tiên cho chúng tôi một lượng hàng nhất định.
Khi có đơn hàng và nhờ vào đội ngũ lao động còn nguyên vẹn, chúng tôi đã đảm bảo được cam kết trong hợp đồng. Trong kinh doanh, yếu tố niềm tin rất quan trọng và khi khách hàng thấy mình làm hết sức nên họ cũng tìm mọi cách để giữ đơn hàng sụt giảm vừa phải thôi.
Chính các tác động qua lại như vậy, đến thời điểm này có thể nói chúng tôi đã vượt qua khó khăn, có tăng trưởng. Người lao động vẫn có việc làm, thu nhập.
Bà CAO THỊ NGỌC DUNG,Chủ tịch HĐQT PNJ:
Tiến xa nhờ chuyển đổi số
Một trong những lý do giúp chúng tôi vượt qua COVID-19, đặc biệt với một đơn vị bán lẻ, hàng hóa không phải thiết yếu là nhờ vào tập trung chuyển đổi số từ rất sớm. Khoản đầu tư này rất tốn chi phí, thời gian nhưng nếu không đầu tư thì năm nay PNJ không thể nào vượt qua khó khăn để có lợi nhuận, tăng trưởng và tìm kiếm cơ hội bước xa hơn nữa.
Ngoài ra, chúng tôi vượt dịch bệnh thành công còn nhờ vào việc đầu tư rất nhiều cho công nghệ nhằm tạo ra quy trình sản xuất, kinh doanh nghiêm ngặt nhất. Khoản đầu tư này là táo bạo và tạo cho công ty sức bật mới, kỷ luật mới, buộc cả hệ thống phải thay đổi. Nếu người nào không phù hợp thì phải đi ra, còn ai chịu khó đi qua con đường này thì sẽ phát triển chắc trong tương lai.
Bên cạnh đó, công ty không ngừng thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh, với sản phẩm luôn được hướng vào khách hàng. Ví dụ, trước đây PNJ là công ty sản xuất, có nghĩa là sản xuất ra sản phẩm và đi chào bán sản phẩm. Bây giờ đổi mới theo hướng sản phẩm đó phải có tiếng nói của thị trường, khách hàng, đo ni đóng giày cho từng đối tượng.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh:
Hiệu quả làm việc ba tháng bằng hai năm
Dịch bệnh bùng phát khiến một số thời điểm Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cảm thấy thiếu tự tin. Nhưng quan điểm của chúng tôi là càng khó khăn càng phải cứng rắn, mạnh mẽ, bản lĩnh và không cho phép mình dừng lại.
Không chỉ vậy, chúng tôi xác định dịch bệnh là cơ hội để quyết liệt tái cấu trúc công ty. Trong đó, tập trung cho việc chuyển đổi số giúp hiệu quả công việc tăng lên. Nhờ vậy, trong ba tháng đầu của dịch bệnh, làm việc thông qua online hiệu quả bằng thời gian làm việc hai năm trước đó.
Trong giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi cũng đề cao hơn nữa chiến lược kinh doanh mọi người cùng thắng. Đó là nhà kinh doanh, khách hàng, đối tác, nhân viên đều phải quan hệ hợp tác sao cho các bên có lợi để cùng tồn tại và phát triển.
Hiện nay dịch bệnh vẫn đang gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Có điều chúng tôi vẫn nhìn thấy trong khó khăn luôn có cơ hội để tái cấu trúc và làm cuộc “cách mạng lớn cho công ty”. Đó là cố gắng ổn định về mặt tài chính, tránh vay ngắn hạn giai đoạn này, cân nhắc dòng vốn thanh toán làm sao để trụ vững đến quý III-2021 nhằm chuẩn bị giai đoạn bùng nổ hậu COVID-19.
Đại diện BenThanh Tourist:
Áp dụng lương tối thiểu cho cả lãnh đạo
Riêng năm 2019, doanh thu của công ty đạt 982,617 tỉ đồng. Bước sang năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, BenThanh Tourist cũng gặp khó khăn giống như tất cả công ty du lịch khác. Đó là lượng khách đột ngột giảm mạnh, khách hủy tour, nguồn thu bị sụt giảm.
Tuy nhiên, công ty đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp để ứng phó kịp thời. Ví dụ, để giữ vững đội ngũ người lao động, công ty áp dụng mức lương tối thiểu vùng cho toàn bộ hệ thống, không phân biệt lãnh đạo, quản lý cấp cao hay nhân viên. Tất cả mọi người cùng chia sẻ, đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, chúng tôi ra mắt các tour du lịch kích cầu hấp dẫn. Đơn cử như tour du lịch sinh thái, hướng về thiên nhiên; các tour đề cao tính an toàn sức khỏe cho du khách với dịch vụ cao cấp và có giá cạnh tranh nên được thị trường đón nhận tích cực. Đây là tín hiệu tốt cho du lịch.
Rất ấn tượng với 100 doanh nhân tiêu biểu
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ rất ấn tượng những con số 100 DN và 100 doanh nhân TP.HCM tiêu biểu được tôn vinh trong năm nay. Riêng trong hai năm 2018-2019, 100 DN này đã tạo ra doanh thu trên 580.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 38.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, những công ty này đã đóng góp cho ngân sách hơn 25.000 tỉ đồng, đóng góp an sinh xã hội hơn 800 tỉ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150.000 lao động.
“Điều này thể hiện rõ sự đồng hành của DN cùng TP trong đổi mới, phát triển” - ông Đức nói và đề nghị Hiệp hội DN TP.HCM và các DN tiếp tục xây dựng sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng có lợi để khối DN TP trở thành một cộng đồng gắn kết chặt chẽ, tương hỗ và phát triển bền vững.
Ông TRƯƠNG PHÚ CHIẾN, Chủ tịch HĐQT Bibica:
Tung sản phẩm phù hợp mùa dịch
Khi dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi xác định trước tiên phải cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Kế đến là phải tồn tại và sau đó mới nghĩ đến việc phát triển.
Trong chín tháng đầu năm, doanh thu của Bibica giảm 20% song công ty vẫn tìm thấy có cơ hội kinh doanh nên đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và xem đây là vấn đề sống còn.
Ví du,̣ trong mùa dịch COVID-19, người dân muốn tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe nên chúng tôi tung ra sản phẩm mang tính chất dinh dưỡng để đáp ứng. Bởi vậy, một số sản phẩm của Bibica như kẹo thảo dược tăng trưởng khá tốt.
Tới đây chúng tôi sẽ thay đổi về cách tổ chức sản xuất, quản lý, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào trong điều hành nhiều hơn.
Hỗ trợ nhau trong lúc đang gặp khó khăn
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, đánh giá năm 2020, cộng đồng DN Việt Nam nói chung cũng như toàn cầu gặp nhiều thách thức do dịch bệnh. Trước tình hình này, nhiều DN vẫn kiên cường tiếp tục duy trì phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nhân còn thể hiện tinh thần đoàn kết cùng bắt tay nhau hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh. Trong cùng ngành, DN sẵn sàng chia sẻ nguyên vật liệu với nhau. Với các DN khác ngành thì trao đổi sản phẩm cho nhau, giảm tiền thuê mặt bằng hay giảm giá các dịch vụ liên quan đầu vào…
“Dù khó khăn nhưng cộng đồng DN, doanh nhân TP.HCM đã tích cực đổi mới, đưa ra các giải pháp tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh; tìm ra cơ hội để chuyển đổi công nghệ, thị trường và sáng tạo ra sản phẩm mới. 100 doanh nhân tiêu biểu xứng đáng là những thuyền trưởng đầy sáng tạo, nghị lực để dẫn dắt con thuyền DN ra khơi trong bão to, sóng lớn” - ông Dũng nhấn mạnh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/kien-cuong-vuot-qua-song-gio-dai-dich-covid19-943585.html