Kiên định kiến tạo hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông

Năm 2024, trong bối cảnh thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến bất ổn, tình hình Biển Đông cũng vì vậy còn tiềm ẩn các 'cơn sóng ngầm'. Từ thực trạng đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cần tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm đối với hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực.

Đoàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển tỉnh Bình Định. Ảnh: Thanh Trúc

Đoàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển tỉnh Bình Định. Ảnh: Thanh Trúc

ASEAN không ngừng nỗ lực kiến tạo hòa bình, ổn định

Theo đánh giá của giới chuyên gia chính trị, an ninh quốc tế, năm 2024 sẽ là một năm nhiều khó khăn thách thức. Nguyên nhân xuất phát từ tình hình chung trong năm 2023 diễn biến ở mức rất bất ổn, tạo ra môi trường an ninh phức tạp, nhất là bùng phát và leo thang nhiều cuộc xung đột. Bối cảnh phức tạp của toàn cầu cũng có những tác động nhất định tới khu vực Biển Đông. Thực tế năm qua cho thấy, vẫn có những diễn biến gây quan ngại cho khu vực, nối dài những phức tạp đã có trong nhiều năm.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, những bất ổn đáng chú ý trên Biển Đông trong năm qua là việc tiếp tục có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vào vùng biển hợp pháp của các nước. Cùng với đó là vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện hiệu quả các cam kết về các biện pháp kiềm chế, xây dựng lòng tin. Mặt khác, việc tiếp tục các hành vi sử dụng sức mạnh để tìm cách áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý, nhất là các biện pháp thường được biết đến như chiến thuật vùng xám hay phi quân sự trá hình... đã tạo ra thách thức đáng quan ngại.

Những yếu tố này cho thấy, khu vực Biển Đông cần nhiều nỗ lực hơn nữa, đặc biệt chú trọng tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời phải tăng cường các cơ chế về xây dựng lòng tin, kiềm chế và không làm phức tạp tình hình. Song hành với đó là phản đối hành vi sử dụng áp đặt, xâm phạm trái phép vùng biển của các nước khác.

Nhìn lại hành trình năm qua, cộng đồng quốc tế đánh giá cao việc ASEAN đã thể hiện sâu sắc nhiều nỗ lực về xây dựng cộng đồng, cũng như tăng cường hợp tác kết nối với các đối tác. Từ đó thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế, phát huy vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. ASEAN đã tiếp tục thể hiện tốt vai trò và tiếng nói của mình, nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Xét riêng trong vấn đề Biển Đông, cũng là vấn đề quan tâm chung của ASEAN và khu vực, trong các hội nghị và văn kiện của ASEAN đều đề cao hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Đặc biệt, ASEAN tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc về tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đồng thời cần tiếp tục thúc đẩy tham vấn ASEAN - Trung Quốc để thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả. Nhấn mạnh rằng, các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho các đàm phán này bằng việc không làm phức tạp tình hình trên biển.

Theo giới chuyên gia, một trong những nội dung đáng chú ý trong năm 2023, đó là lần đầu tiên ASEAN ra Tuyên bố về thúc đẩy “không gian biển ở Đông Nam Á” hòa bình, ổn định ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng. Tuyên bố đã gắn Biển Đông với hòa bình, ổn định của cả khu vực và không gian biển Đông Nam Á nói chung. Từ đó gắn với trách nhiệm, vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác của ASEAN với các đối tác đối với hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Cũng trong tuyên bố, các quá trình này sẽ song hành bổ sung cho nhau, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có không gian biển Đông Nam Á và Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC và xây dựng COC về Biển Đông.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm

Là quốc gia thành viên có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ASEAN, Việt Nam luôn nhất quán đối với các vấn đề trên biển, kiên quyết, kiên trì về chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp tại các vùng biển của mình. Việt Nam cũng nhất quán coi trọng và ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có Biển Đông.

Ngư dân ra khơi từ biển An Bàng, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Trúc

Ngư dân ra khơi từ biển An Bàng, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Trúc

Với tinh thần nhất quán, Việt Nam luôn nhấn mạnh: Hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đồng thời kiềm chế, xây dựng lòng tin, không làm phức tạp tình hình; thúc đẩy ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới một COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982...

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, năm 2024 dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, trong khi Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn các "cơn sóng ngầm" và nguy cơ rủi ro, bất ổn. Vì vậy, trong năm nay, ASEAN cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và tăng cường hơn nữa vai trò của mình đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ở Biển Đông.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu 5 nội dung cần được đề cao. Theo đó, ASEAN cần nhấn mạnh lại các nguyên tắc của khối về hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực cũng như về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982. Đồng thời cần thúc đẩy ASEAN - Trung Quốc nỗ lực thực hiện DOC và đàm phán một COC hiệu lực, hiệu quả, dựa vào luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982.

ASEAN cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực, trong đó có không gian biển Đông Nam Á, phát huy các nguyên tắc và văn kiện đã có của ASEAN vốn đã được các nước đối tác ủng hộ, như Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Đông Nam Á (TAC) và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Song hành với đó là phát huy các cơ chế của ASEAN và gắn kết với các đối tác, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trong đó có không gian biển Đông Nam Á và Biển Đông. Ngoài ra, cần thúc đẩy cộng đồng quốc tế ủng hộ vai trò và các nỗ lực của ASEAN ở khu vực và trong vấn đề Biển Đông, bao gồm cả việc lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm vùng biển hợp pháp của nước khác.

Bước sang năm 2024, ASEAN được tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được những bước phát triển thành công, đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò trung tâm đối với hòa bình và hợp tác phát triển ở khu vực, tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và xây dựng lòng tin, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982. Từ đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như hòa bình và hợp tác ở khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-dinh-kien-tao-hoa-binh-on-dinh-va-hop-tac-o-bien-dong-post472649.html