Kiên Giang - 50 năm phát triển cùng đất nước - Bài 1: Ký ức một hành trình mở đất

Ngày 30-4-1975 đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra thời kỳ thống nhất và phát triển đất nước. Từ một tỉnh ven biển nghèo, đất đai phèn, mặn, Kiên Giang đã vươn lên bằng tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và những quyết sách đúng đắn. Sau nửa thế kỷ, vùng đất cực Tây Nam Tổ quốc đã thay da đổi thịt, từ ruộng hoang thành đồng lúa, từ đường đất thành phố thị.

Sau ngày đất nước thống nhất, khi cả nước còn bộn bề gian khó, Kiên Giang bắt đầu cuộc trường chinh khai hoang, phục hóa. Từ vùng đất phèn nặng trĩu bước chân người, những cánh rừng tràm rậm rạp vùng Rọc Xây, U Minh Thượng hay tứ giác Long Xuyên nay đã trở thành miền quê trù phú, mang màu xanh của ruộng, vườn, của hy vọng. Một hành trình âm thầm nhưng quyết liệt, in dấu chân bao lớp người đi mở đất - những con người bình dị mà phi thường.

ĐÁNH THỨC VÙNG TRŨNG

Trở lại vùng đệm U Minh Thượng những ngày này, cờ hoa rực rỡ khắp nơi, người dân chung niềm vui kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trên các con kênh nội đồng, những chiếc vỏ máy chở đầy chuối, khóm nối đuôi nhau về điểm tập kết, tạo nên bức tranh lao động nhộn nhịp. Vùng đệm năm xưa nay không còn nghèo khó, mà đã vươn mình mạnh mẽ.

Hiện đường giao thông vùng đệm U Minh Thượng thuận lợi cho thương lái chạy ô tô tải đến tận nhà dân thu mua khóm. Ảnh: TRUNG HIẾU

Hiện đường giao thông vùng đệm U Minh Thượng thuận lợi cho thương lái chạy ô tô tải đến tận nhà dân thu mua khóm. Ảnh: TRUNG HIẾU

Nhẩm tính lợi nhuận từ đợt thu hoạch, ông Thái Hoàng Thủ 61 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) nói: “Cây chuối giờ là cây chủ lực ở vùng đệm, giúp nhiều hộ khá giả, nuôi con học tới đại học. Với mô hình chuối - cá - bông súng, mỗi năm nhà tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Năm bán chuối được giá, lợi nhuận có khi đạt 300 - 400 triệu đồng”. Theo ông Thủ và nhiều nông dân, bước ngoặt của vùng này bắt đầu từ chủ trương khai hoang, phục hóa đất phèn của tỉnh từ những năm 1990. Ngoài đào kênh dẫn nước, rửa phèn, tỉnh còn cấp đất cho hàng ngàn hộ (mỗi hộ 4ha), hỗ trợ vốn sản xuất ban đầu. Ông Thủ như nhiều người khác cũng theo tiếng gọi “khai hoang lập nghiệp”, dựng chòi, cải tạo ruộng đồng.

Ban đầu, nông dân vùng đệm chỉ làm được mỗi năm một vụ lúa, năng suất 5 - 7 giạ/công. Về sau, chuyển sang trồng khóm, mía, nhưng đầu ra bế tắc; cây mía từng là chủ lực cũng dần lụi tàn, cây tràm cũng không sống nổi. Một số hộ bỏ cuộc, quay về quê cũ. Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chính quyền đầu tư xây đường, thủy lợi, kéo điện, mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tín dụng ưu đãi... Từ những năm 2000, Nhà nước cho phép người dân đào mương, đắp bờ trên phần đất được cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Nhờ đó, các mô hình kinh tế bắt đầu phát huy hiệu quả và cây chuối dần trở thành cây trồng chủ lực.

Hiện vùng đệm U Minh Thượng (hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc) có khoảng 2.400ha trồng chuối, 2.200ha trồng rau màu, gừng, 450ha khóm - cây ăn trái, cùng khoảng 3.000ha nuôi cá nước ngọt. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng Nguyễn Thum Em, địa phương đang đẩy mạnh mô hình đa canh tổng hợp như rau màu - cây ăn trái kết hợp nuôi cá; lúa - cá; lúa - tôm - cua - cá nước lợ theo hướng an toàn, vệ sinh thực phẩm. Qua mấy chục năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đệm U Minh Thượng giảm từ hơn 60% đến nay còn dưới 3%. Nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú. Hành trình đánh thức vùng U Minh Thượng là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, sự kiên trì của người dân, đồng thời là biểu tượng thành công của Kiên Giang trong công cuộc khai hoang, phục hóa suốt 50 năm qua.

Một dấu ấn khác là hành trình “vàng hóa” đất hoang vùng tứ giác Long Xuyên, gồm các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất. Theo ông Lương Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1992-1998), trước năm 1990, khu vực này còn nhiều diện tích hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Người dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm, năng suất 3 tấn/ha. Từ Đại hội VI - đại hội đổi mới của Đảng (1986), Đảng và Nhà nước có chủ trương khai hoang vùng tứ giác Long Xuyên đưa vào sản xuất lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Theo đó, tỉnh kêu gọi người dân từ khắp nơi đến khai hoang. Nhà nước miễn thuế một số năm cho diện tích khai hoang trồng lúa, hỗ trợ đào kênh cấp 2 (kênh ngang), nghiên cứu giống lúa chịu phèn. Thực hiện Quyết định 99/QĐ-TTg, ngày 9-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thủy lợi, giao thông, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh triển khai hàng loạt công trình lớn như kênh cấp 1 (kênh trục) đưa nước từ sông Hậu về, các kênh T4, T5, T6, cùng hệ thống cống và đê biển từ TP. Rạch Giá đến Ba Hòn (Kiên Lương).

Theo ông Hải, nhờ các công trình giao thông, thủy lợi trên, nhiều huyện trong vùng tứ giác Long Xuyên thoát cảnh ngập lũ, sản xuất lúa 2 vụ/năm, năng suất tăng lên 6-7 tấn/ha. Diện tích đất trồng lúa trong vùng này cũng không ngừng tăng; năm 1997 là 158.765ha, sản lượng 648.775 tấn; năm 2000 là 192.389ha, sản lượng 891.456 tấn; đến năm 2010 là 300.691ha, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn. Tứ giác Long Xuyên đã “lột xác” ngoạn mục, trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa, nông thôn đổi thay từng ngày. Nhiều nơi sản xuất lúa năng suất đạt trên 7 tấn/vụ/ha.

Đầu tư hạ tầng thủy lợi cũng là dấu ấn lớn. Từ năm 2010-2020, tỉnh ưu tiên hoàn thiện hệ thống cống, đập, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản. Nổi bật là hệ thống thoát lũ, dẫn ngọt vùng tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, các cống Cái Bé, Cái Lớn, Kênh Cụt, Kênh Nhánh... Nhờ đó, nông dân không chỉ vượt khó mà còn sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ vùng đất phèn, mặn, nhiều hộ chuyển sang mô hình kết hợp như lúa - tôm, lúa - cá, tôm - cua - lúa, lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần độc canh lúa. Nhiều nông dân huyện An Minh cho biết, trước đây thu nhập từ sản xuất lúa khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Sau khi chuyển sang mô hình lúa - tôm, thu nhập của nông dân tăng lên 100 - 130 triệu đồng/ha/năm.

RỌC XÂY - NƠI CẤY MẦM SỰ SỐNG MỚI

Trở lại vùng tứ giác Long Xuyên sau nhiều năm đổi mới, chúng tôi tìm về ấp Tràm Trổi, xã Vĩnh Điều (Giang Thành) - nơi từng được biết đến với tên gọi “vùng kinh tế mới Rọc Xây”. Vùng đất từng hoang hóa, nhiễm phèn, cỏ dại mọc bạt ngàn này giờ đây đã trở thành miền quê trù phú, nhờ vào ý chí phi thường và hành trình kiên trì dựng xây của những người đi mở đất. Ông Danh Sị 70 tuổi, đồng bào Khmer, là 1 trong 320 hộ dân đầu tiên đến Rọc Xây lập nghiệp. “Quê tôi ở An Biên, không có đất sản xuất. Năm 2003, tôi theo diện được Nhà nước hỗ trợ lên khu kinh tế mới. Khi đó, Rọc Xây chưa có người ở, chỉ là đồng hoang lau sậy. Nhà cửa tạm bợ, nước sinh hoạt thiếu thốn. Có lúc cả ấp chỉ dùng chung nước mưa đọng trong hố bom, lọc bằng phèn chua để ăn uống”, ông Sị nhớ lại.

Mỗi hộ được cấp 3ha đất sản xuất, nhưng 3 - 4 năm đầu, đất phèn nặng khiến lúa không thể sinh trưởng tốt, cỏ mọc um tùm. Giao thông chủ yếu bằng vỏ lãi, không điện, không nước sạch. Mùa mưa thì hứng nước trời, mùa nắng thì thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, người dân không nản chí. Những năm sau đó, Nhà nước đầu tư đào kênh dẫn nước lũ rửa phèn, người dân từng bước cải tạo đất. Dù thiên tai vẫn xảy ra như đợt mặn xâm nhập năm 2012 hay trận lũ lớn năm 2015, nhưng tinh thần bám đất, giữ ruộng chưa bao giờ suy giảm. Từ năm 2020 trở lại đây, cánh đồng Rọc Xây có thể sản xuất 2 vụ lúa mỗi năm, trong đó, giống lúa Nhật DS1 phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất và lợi nhuận cao. “Mỗi công lúa thu được khoảng 1 tấn, có lãi gần 4 triệu đồng mỗi vụ”, ông Danh Sị chia sẻ. Mảnh đất khắc nghiệt ngày nào nay đã giúp ông nuôi dạy 5 người con khôn lớn, trong đó người con út hiện là đại úy ngành công an.

Phó Trưởng ấp Tràm Trổi Nguyễn Văn Dũng cũng là một trong những người dân đầu tiên đến Rọc Xây, kể lại năm 2003 tỉnh đưa 320 hộ nghèo từ các huyện An Biên, Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng đến khu vực này (lúc đó thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương). Đến năm 2007, ấp Vĩnh Lợi được chia tách, khu Rọc Xây nay thuộc ấp Tràm Trổi. “Không phải ai cũng trụ lại được, có hộ bỏ đi vì không chịu nổi gian khổ. Nhưng ai ở lại đều nỗ lực cải tạo đất hoang thành ruộng tốt. Giờ đây, nhiều hộ từ các huyện khác và cả tỉnh An Giang cũng đến định cư. Trong 359 hộ của ấp hiện nay, chỉ còn 27 hộ nghèo”, ông Dũng chia sẻ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Điều Trần Quang Thái đánh giá: “Sau hơn 20 năm khai hoang, khu vực Rọc Xây - Tràm Trổi có nhiều thay đổi tích cực. Giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng từ 2,5m - 5m, nối liền các xóm, kênh nội đồng. Trường học, điện, nước ngày càng đầy đủ. Ruộng đất màu mỡ, người dân trúng mùa, đời sống cải thiện rõ rệt”.

Từ vùng đất phèn hóa nghèo nàn, Rọc Xây đã trở thành nơi khởi đầu cuộc sống mới của hàng trăm hộ dân. Thành quả hôm nay là kết tinh của những chủ trương đúng đắn, sự đầu tư của Nhà nước và ý chí vượt khó, cần cù của người dân. Rọc Xây không chỉ là biểu tượng của sự hồi sinh đất đai, mà còn là minh chứng cho khát vọng vươn lên không ngừng - hành trang quý báu để Kiên Giang tiếp tục “vàng hóa” những vùng đất khó, dựng xây tương lai tươi sáng hơn.

TÚ LY - TRUNG HIẾU - THU OANH - THANH DƯ

Bài 2: Đổi thay từ ý chí vượt khó

Bài 3: Những công trình làm nên tầm vóc

Bài 4: Vươn ra biển

Bài cuối: Dựng thế, tạo lực để vươn xa

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/kien-giang-50-nam-phat-trien-cung-dat-nuoc-bai-1-ky-uc-mot-hanh-trinh-mo-dat-26018.html