Kiên Giang: Bảo tàng Cội Nguồn - Mô hình xã hội hóa tiêu biểu cần phát huy, lan tỏa
Bảo tàng Cội Nguồn tọa lạc tại số 149, Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Tây Nam Bộ duy nhất lưu giữ sự khởi nguồn, quá trình phát triển của hòn đảo ngọc xinh đẹp đang trên đà phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, du lịch và là một trong số ít mô hình xã hội hóa tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa - du lịch trên địa bàn tỉnh cần được phát huy, lan tỏa,…
Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị góp phần tích cực trong bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Bên cạnh trên 120 bảo tàng công lập, nước ta hiện có trên 30 bảo tàng tư nhân được cấp phép, trong đó có Bảo tàng Cội Nguồn.
Xuất phát từ tâm huyết và đam mê đối với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch của địa phương, ông Huỳnh Phước Huệ đã rất kỳ công, mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí để có được bộ hiện vật đa dạng, phong phú như hiện nay. Sau hơn 20 năm sưu tập, đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động từ 2009, đến nay Bảo tàng Cội Nguồn có trên 3.300 hiện vật, đây từng là điểm thu hút hàng trăm du khách tham quan mỗi ngày.
Bảo tàng Cội Nguồn bao gồm một quần thể gồm nhiều hạng mục được thiết kế bài bản, hợp lý theo nhóm chủ đề, dòng chảy thời gian trên diện tích khoảng 4.000m2, gồm: 05 tầng trưng bày chính cổ vật khoảng trên 1.100 m2 (trong đó, nhà trưng bày mỹ nghệ gỗ lũa trên 200m2; trưng bày tranh nghệ thuật, mỹ thuật, các loại ốc biển, ảnh thời sự về đất nước con người, kinh tế, văn hóa, xã hội huyện Phú Quốc qua các thời kỳ trên 310m2; khu quà lưu niệm, trưng bày sản phẩm ngọc trai 450m2; nhà sàn truyền thống của nông thôn Phú Quốc trên 140m2…); hạng mục nhà tổ đường họ tộc, tín ngưỡng dân gian khoảng 100m2; khu chế tác thủ công mỹ nghệ, khu bán hàng lưu niệm trên 200m2; khu bảo tồn động vật đặc trưng của Phú Quốc, các khu tạo cảnh thiên nhiên trên 2.000m2…
Bảo tàng Cuội Nguồn có trên 2.600 cổ vật (gốm, đá, sứ, đồng, gỗ hóa thạch,…) có niên đại từ 1500 năm trước Công Nguyên đến đầu thế kỷ XX, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam qua các thời đại đã được trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam thẩm định, công nhận; trên 540 hiện vật là bàn ghế và tác phẩm nghệ thuật chế tác từ gỗ lũa cây trai, mai núi, tre, ráng, ổi,… là vật dụng sinh hoạt gia đình, công cụ lao động nhiều ngành nghề truyền thống của địa phương (50 hiện vật là rìu đá được tìm thấy tại các vùng đất xã Cửa Cạn huyện Phú Quốc, và nhiều công cụ làm nước mắm, trồng tiêu, khai thác, chế biến hải sản,…).
Hàng trăm hiện vật từ biển, rừng Phú Quốc, như trên 20 hiện vật là xương bò biển, cá voi, nanh heo rừng; trên 90 loại ốc, sò, hơn 10 loại san hô, 20 mãng đá- rêu hóa thạch cho thấy sự phong phú của về sản vật của vùng đất biển- đảo Tây Nam của Tổ Quốc trong nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, với 300 thư mục, tài liệu bằng chữ Hán, tiếng Việt, Pháp, Anh là cơ sở dữ liệu để tìm hiểu, nghiên cứu về vùng đất, lịch sử trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của vùng đất, con người Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, nơi đây từng bảo tồn và lai tạo loài chó xoáy đặc chủng quý hiếm, nổi tiếng thông minh của Phú Quốc, và nhiều giống chim ó, đại bàng biển đặc trưng của vùng rừng- biển Phú Quốc. Tuy nhiên, để góp phần bảo tồn động vật hoang dã, ông Huỳnh Phước Huệ đã trả những loài chim ó, đại bàng biển về với thiên nhiên để chúng có cuộc sống tự do.
Khoảng 10 năm trước là thời kỳ hoạt động “vàng son” của Bảo tàng Cội Nguồn, trong điều kiện thời tiết, giao thông thuận lợi mỗi ngày Bảo tàng đón hàng trăm khách tham quan. Tuy nhiên, từ hơn 5 năm qua lượng khách giãm sút mạnh, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đa thời gian là hoạt động cầm chừng, có ngày chỉ đón một vài lượt khách, nên Bảo tàng phải cắt giảm nhiều nhân viên, vì doanh thu không đủ để duy trì bộ máy, chứ chưa nói đến việc bảo quản, phục chế, phát triển cơ sở, hiện vật, ...
Ở nước ta, thời gian qua một số bảo tàng công lập thật sự tạo được dấu ấn bản sắc riêng và hoạt động có hiệu quả như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Ðức Thắng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam,... và một số bảo tàng nghệ thuật tư nhân, còn lại đa số bảo tàng có lượng khách tham quan ít. Có nhiều lý do, như: ý thức học hỏi, tìm hiểu về lịch sử- văn hóa của người Việt thông qua hiện vật bảo tàng còn ít; phần lớn bảo tàng đang vận hành theo một công thức chung đơn điệu, nhàm chán nên chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn khách đến tham quan, tìm hiểu; chưa có chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch, chưa tìm được tiếng nói chung với bảo tàng, nên các doanh nghiệp lữ hành, người dẫn tour du lịch cũng chưa mặn mà giới thiệu, tư vấn cho khách về giá trị các bảo tàng để thiết kế tuyến du lịch,…
Nếu không có khách, chắc chắn bảo tàng sẽ không phát huy được các giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc, không góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, du lịch của địa phương. Cho nên, để thu hút khách tham quan bảo tàng nói chung và du khách đến địa phương thông qua bảo tàng, các đơn vị liên quan và các tổ chức, cá nhân quản lý, hoạt động bào tàng cần xem xét một số giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức học hỏi, tìm hiểu về lịch sử- văn hóa của người Việt nói chung và của địa phương, nhất là thế hệ trẻ.
Mặc dù đời sống kinh tế, trình độ dân trí của đất nước, của nhân dân ta đã ngày càng được cải thiện, nâng lên, nhưng nhiều người, nhiều bạn trẻ chưa hình thành được thói quen, sở thích, niềm đam mê học hỏi, nhận thức một cách nghiêm túc, đầy đủ về các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc đã được các thế hệ cha ông mình dày công gầy dựng, giữ gìn, nhất là thông qua hiện vật bảo tàng, di tích. Và hãy thử tìm hiểu trong gia đình, cộng đồng mình sinh sống có được bao nhiêu người đã đến tham quan bảo tàng (như gần nhất là Bảo tàng tỉnh chẳng hạn, vì tỉnh nào cũng có ít nhất một bảo tàng công lập, thường là không thu phí), chắc chắn kết quả sẽ rất thấp! Cho nên, ngành giáo dục, mà cụ thể là nhà trường, giáo viên, và phối hợp với gia đình tăng cường giáo dục, nêu gương cho con em trong nâng cao hiểu biết, trân quý văn hóa- lịch sử dân tộc; gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí cho con em là các hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu tại các bảo tàng, di tích lịch sử lịch sử- văn hóa của địa phương, dân tộc.
Thứ hai, vì xác định khách tham quan là mục tiêu phục vụ cần hướng đến của bảo tàng, nên các tổ chức, cá nhân hoạt động bào tàng cần phải nhanh chóng loại bỏ tâm lý chủ quan, duy ý chí, chỉ trưng bày cái mình có thay vì đáp ứng, thỏa mãn những yêu cầu, kỳ vọng của công chúng khi tìm đến bảo tàng. Cần đổi mới cách tổ chức, vận hành của bảo tàng, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, chất lượng; giá cả dịch vụ liên quan hợp lý. Cập nhật ứng dụng công nghệ thích ứng với xu hướng phát triển chung của thế giới, chú trọng hơn nữa đến cách thức trưng bày, phải tạo ra được điểm nhấn, có chủ đề nhất định, gắn với đó là các hoạt động tương tác giữa du khách và nội dung trưng bày qua việc giới thiệu bằng hình ảnh, âm thanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách tham quan.
Ngoài ra, tăng cường liên kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành, các trường học, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước để được tiếp cận, phục vụ khách tham quan theo đoàn; chủ động tiếp thị, truyền thông hoạt động, chính sách ưu đãi của bảo tàng. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động giao lưu, trưng bày lưu động, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hiện vật bảo tàng, nhất là bảo tàng lịch sử- văn hóa như là những địa chỉ du lịch văn hóa- lịch sử nổi bật để hút khách. Riêng bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Cội Nguồn (có thu phí) cần xây dựng chính sách ưu đãi các đoàn khách có số lượng nhiều, nhất là học sinh, sinh viên để thu hút khách, xây dựng thói quen đến bảo tàng.
Thứ ba, khách quan mà nói, ở nước ta, đầu tư bảo tàng tư nhân như “đầu tư kinh doanh mạo hiểm”, vốn đầu tư lớn mà chậm có lãi, có khi còn sống “bấp bênh” - như Bảo tàng Cội Nguồn hiện nay. Cho nên, địa phương cần nghiên cứu xây dựng cơ chế như một số tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ bảo tàng tư nhân về địa điểm, kết nối hoạt động với các tổ chức, đơn vị. Thậm chí, tỉnh Thừa Thiên Huế còn hướng tới xây dựng mô hình thành phố bảo tàng, kết nối, thúc đẩy sự phát triển của các bảo tàng có chất lượng cao gắn với du lịch, hay tạo ra các không gian sáng tạo, nghệ thuật cho công chúng mọi lứa tuổi có thể tiếp cận (1), qua đó sẽ tạo điều kiện để bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Cội Nguồn có động lực phát huy, lan tỏa, kích thích bảo tàng nói chung phát triển, như gợi ý của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy- chuyên gia tư vấn hàng đầu về công tác bảo tàng ở Việt Nam: “ở mỗi địa phương, bên cạnh bảo tàng tỉnh, nên có càng nhiều càng tốt các bảo tàng đi sâu vào một nội dung nhỏ, mang tính đặc thù địa phương hoặc có sự độc đáo từ đầu tư bảo tàng hay không gian trưng bày tư nhân ở địa phương” (2).
Đối với Phú Quốc, để phát triển lượng du khách nói chung, ngoài triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển du lịch, cần chủ động làm việc với các đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các điểm tham quan- du lịch, như di tích tích lịch sử- văn hóa Nhà tù Phú Quốc, Dinh Cậu, Vườn Quốc Gia Phú Quốc, Bảo tàng Cội Nguồn, vườn tiêu, nước mắm Phú Quốc, cơ sở nuôi cấy ngọc trai, các “làng chài”, các chợ, các bãi biển, các khu nghỉ dưỡng,… để tìm tiếng nói chung, tạo sự liên kết liên hoàn hay khép kín cho từng tour- tuyến phù hợp, đảm bảo tổ chức và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại Phú Quốc.
Thứ tư, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phối hơp chặt chẽ với Hội Hướng dẫn viên du lịch, các đơn vị lữ hành đang hoạt động tại địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn; thường xuyên cập nhật tình hình phát triển kinh tế- xã hội, những định hướng, những yếu tố mới về lịch sử, văn hóa,… của địa phương; nghiên cứu định kỳ tổ chức kiểm tra kiến thức của đội ngũ hướng dẫn viên. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hướng dẫn viên du lịch thuyết minh, giải thích sai làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của địa phương, của các điểm tham quan- du lịch.
Tóm lại, trong xu hướng du lịch đang phát triển mạnh, thì hoạt động bảo tàng nói chung đang là thời cơ. Tuy nhiên, cần thay đổi nhận thức, chiến lược, cần tận dụng và hội tụ được nhiều nguồn lực để thúc đẩy chất lượng hoạt động, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng; liên kết chặt chẽ với du lịch, từng bước để bảo tàng trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” cho thế hệ trẻ. Trong đó, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện gắn kết hữu hiệu giữa bảo tàng với các điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng,… Phát huy vai trò, hiệu quả của bảo tàng nói chung trong đời sống xã hội sẽ góp phần nâng cao dân trí, du lịch của địa phương phát triển.
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Tiến Cường (2023), Hiệu quả hoạt động của bảo tàng nghệ thuật tư nhân, tải trang https://nhandan.vn/, [truy cập 10/9/2023].
(2) An Đông (2022), Thay đổi toàn diện trong nhận thức, chiến lược, tải trang https://nhandan.vn/, [truy cập 09/9/2023].