Kiên Giang: Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sản xuất, tính mạng con người và tài sản có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2024, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai.

Tàu cá neo đậu trên vùng biển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (ảnh tư liệu).

Tàu cá neo đậu trên vùng biển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (ảnh tư liệu).

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhấn mạnh, tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa bão để bảo vệ sản xuất an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai. Tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai, quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai.

Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai; thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách trên địa bàn trọng điểm; nạo vét kênh mương, duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chống ngập úng, đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn trước mùa mưa bão, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và sản xuất đạt hiệu quả cao. Cụ thể như kiểm tra, rà soát quy trình vận hành đập, hồ chứa nước tại thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải; khắc phục hạn hán, phòng chống ngập úng toàn vùng đệm U Minh Thượng; bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng giống vật nuôi, cây trồng thích hợp với điều kiện từng vùng...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng phương án, lực lượng, phương tiện và thực hiện quy chế phối hợp. Đơn vị phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra an toàn các phương tiện hành nghề trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới; tiếp nhận, trao trả các công dân nước ngoài bị nạn, được cứu vớt trên vùng biển Kiên Giang theo các quy định hiện hành. Biên phòng Kiên Giang phối hợp Tỉnh đội, Công an và các địa phương triển khai công tác sơ tán, di dời dân, công tác giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, kịp thời phát các bản tin dự báo, thông báo thời tiết, thủy văn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để các ngành, địa phương và nhân dân chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại.

Các ngành chức năng phối hợp xây dựng kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc khi thiên tai xảy ra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; áp dụng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng.

Mùa mưa bão năm nay dự kiến diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 1 người bị thương, sập 21 căn nhà, tốc mái 60 căn nhà, ước tổng giá trị thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng. Tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông trên địa bàn huyện U Minh Thượng là 454 điểm với chiều dài 11.374 m; làm sụt lún, sụp đổ 42 căn nhà... Mới đây vào chiều 15/6, tại xã đảo Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải, mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc làm tốc mái 5 căn nhà, chìm 4 phương tiện đường thủy và 1 người dân tử vong do chìm ghe.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/kien-giang-chu-dong-phong-chong-thien-tai-trong-mua-mua-bao-20240617114411135.htm