Kiên Giang đẩy mạnh hợp tác du lịch với các tỉnh Campuchia

Nhằm phát triển hơn nữa ngành du lịch, Kiên Giang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường hợp tác liên vùng, gắn với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ và các nước theo hành lang kinh tế ven biển phía Nam, khu vực ASEAN.

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng du lịch với các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó, đảo Phú Quốc sẽ được tập trung đầu tư thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. (Nguồn: phuquocislandguide)

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng du lịch với các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó, đảo Phú Quốc sẽ được tập trung đầu tư thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. (Nguồn: phuquocislandguide)

Khai thác tiềm năng thế mạnh

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng du lịch với các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, U Minh Thượng. Trong đó, đảo Phú Quốc sẽ được tập trung đầu tư thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Hà Tiên, Kiên Lương và Kiên Hải là các khu vực có thế mạnh về du lịch biển đảo, đã và đang có nhiều nhà đầu tư lớn tham gia xây dựng các dự án và sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong thời gian tới.

Được biết, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực về yếu tố con người để xây dựng tỉnh thành một địa phương có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam Bộ. Hạ tầng và môi trường đầu tư đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch, dịch vụ, bất động sản và công nghệ. Kiên Giang cũng đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với du khách và nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.

Trao đổi với PV, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: “Kiên Giang hiện đang khai thác các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, du lịch khám phá, vui chơi giải trí, mua sắm, du lịch MICE... Đây là cơ hội lớn để thu hút khách từ thị trường nhiều nước trong khu vực, trong đó có thị trường Campuchia giáp biên”.

Các sản phẩm này phát triển tại 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là Phú Quốc, Hà Tiên-Kiên Lương, Rạch Giá-Hòn Đất-Kiên Hải và U Minh Thượng.

Theo lãnh đạo Sở trên, những năm qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh quan tâm khai thác, nhiều khu du lịch đã được tổ chức quy hoạch, nhiều dự án được đầu tư mới. Bên cạnh một số khu vui chơi giải trí đã có như Vinpearl Land, Winwonder, Safari Phú Quốc, Casino, hệ thống cáp treo từ thị trấn An Thới ra đảo Hòn Thơm (Phú Quốc) dài gần 8km... hiện Phú Quốc đang triển khai xây dựng cảng biển quốc tế đủ khả năng đón các tàu có sức chứa 5.000 - 6.000 khách.

Đến nay, Kiên Giang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án du lịch trong tỉnh, nhất là tại thành phố Phú Quốc, tạo sự phát triển nhanh về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ ngành công nghiệp không khói, với hàng trăm dự án đang được triển khai thực hiện tại 4 vùng du lịch trọng điểm.

Bên cạnh đó, giao thông đi lại kết nối đến Kiên Giang tương đối thuận lợi. Về đường hàng không, tỉnh có sân bay nội địa Rạch Giá và sân bay quốc tế Phú Quốc. Hiện đã có nhiều hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không trong nước hoạt động tại địa phương.

Đường biển nội địa của Kiên Giang cũng thuận tiện giao thông, với cảng du lịch Rạch Giá và Hà Tiên kết nối đảo Phú Quốc, Quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), có hơn 20 phương tiện chở khách và 8 phương tiện phà chở ô tô.

Bên cạnh đó, giao thông đường bộ tại tỉnh đã được chú trọng đầu tư với các tuyến quốc lộ kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Đối với ngành công nghiệp không khói, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương theo hướng phát triển bền vững, phát triển dựa vào cộng đồng; phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương”, ông Thái cho biết.

Ngoài ra, Kiên Giang cũng tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch trong mối quan hệ liên vùng, gắn với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ và các nước theo hành lang kinh tế ven biển phía Nam, khu vực ASEAN.

Tăng cường hợp tác với các địa phương Campuchia

Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kiên Giang với các tỉnh giáp biên của Campuchia được duy trì và phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành hai bên có nhiều cuộc gặp song phương, thăm viếng, giao lưu hữu nghị, ký kết hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có du lịch, với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng và cùng phát triển.

Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) - Prek Chak (Campuchia). (Nguồn: Wikipedia)

Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) - Prek Chak (Campuchia). (Nguồn: Wikipedia)

Về hợp tác du lịch với các địa phương nước bạn, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, thời gian qua, Kiên Giang cùng các tỉnh giáp biên của Campuchia đã đẩy mạnh hợp tác, tận dụng lợi thế của mỗi bên để nghiên cứu, xúc tiến kết nối tour, tuyến du lịch bằng đường bộ và đường biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch hai bên mở nhiều tour phục vụ du khách.

Cụ thể, năm 2014, ngành du lịch tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham gia đón Đoàn đại biểu của một số tỉnh, thành thuộc Vương quốc Campuchia trong đó có tỉnh Kép, Kampot đến khảo sát điểm đến du lịch tại huyện đảo Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc).

Một năm sau, ngành du lịch Kiên Giang tổ chức và phối hợp với một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tham gia chương trình khảo sát tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư phát triển du lịch tại Kampot, Kep, Shihanouk Ville và Phnom Penh (Campuchia) theo khung hành lang kinh tế phía Nam.

Trên tinh thần hợp tác hữu nghị, cùng có lợi, năm 2017, Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch tỉnh tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp du lịch tỉnh tham gia Chương trình phát động thị trường tại Phnom Penh do Tổng cục Du lịch phát động.

Ông Thái nhấn mạnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh, năm 2018, ngành du lịch Kiên Giang tham dự chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch với các tỉnh ven biển miền Đông Thái Lan và Tây Nam của Campuchia nhằm kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam (tuyến du lịch R.10).

Năm 2019, Sở Du lịch Kiên Giang cũng tham gia đoàn khảo sát tuyến du lịch bằng đường biển giữa đảo Phú Quốc (Kiên Giang, Việt Nam) với tỉnh Kampot (Campuchia); tham dự Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế Campuchia-Việt Nam-Thái Lan lần 2 tại Thái Lan; đề xuất nội dung hợp tác cụ thể để triển khai Kế hoạch hành động kết nối 3 nền kinh tế Campuchia-Việt Nam-Thái Lan.

Bên cạnh đó, ngành du lịch phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về xin chủ trương mở tuyến du lịch bằng đường biển giữa đảo Phú Quốc với tỉnh Kampot.

Về định hướng hợp tác du lịch giữa Kiên Giang và các địa phương Campuchia trong thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết, giai đoạn 2021-2022 và những năm tiếp theo, ngành du lịch Kiên Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thông tin về các điểm đến hấp dẫn của mỗi bên.

Ngoài ra, hai bên tăng cường trao đổi, hợp tác nhằm kết nối tour, tuyến du lịch bằng đường biển đến Phú Quốc và đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Prek Chak và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành - Ton Hon; tập trung kêu gọi đầu tư các phương tiện vận chuyển đường biển phục vụ khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối tour, tuyến của mỗi bên.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kien-giang-day-manh-hop-tac-du-lich-voi-cac-tinh-campuchia-197492.html