Kiên Giang đưa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng vào cuộc sống (Kỳ 2)
Không chỉ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng vốn tín dụng chính sách còn được các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiếp cận như cho vay giải quyết việc làm, người mới chấp hành xong án phạt tù, sản xuất theo chuỗi giá trị… Qua đó, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Kỳ 2: Cần thiết, kịp thời và nhân văn
Kịp thời hỗ trợ
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị, xã hội mà vốn chính sách còn đáp ứng kịp thời trong những tình huống cấp bách. Cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng chục ngàn lao động Kiên Giang từ khắp nơi phải trở về quê nhà. Lúc này, cùng với việc đón người dân trở về an toàn, các giải pháp tạo việc làm cho người dân cũng được cả hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang triển khai. Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang đã tăng nguồn vốn và đưa nguồn vốn đến kịp thời đến người dân để bắt tay vào sản xuất, tạo việc làm cho người lao động ngay sau dịch COVID-19 được kiểm soát. Vốn vay lần này ưu tiên cho lao động mất việc làm từ các tỉnh trở về quê với mức vay tối đa 100 triệu đồng/người mà không phải thế chấp tài sản.
Sau 17 năm đi xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Tấn Kỷ, ngụ xã Giục Tượng (Châu Thành) quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Tận dụng vỏ dừa tươi ở các quán nước trên địa bàn, anh Kỷ thu gom về sản xuất mùn dừa. Mô hình vừa giúp anh Kỷ có thu nhập ổn định vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Anh Kỷ chia sẻ: “Sau dịch bệnh COVID-19, tôi quyết định trở về quê hương. Thấy vỏ dừa tươi bị vứt xuống sông hoặc chất đống ở những quán cà phê trên địa bàn, tôi nảy ra ý tưởng làm mùn dừa từ nguồn nguyên liệu 0 đồng này và mong muốn góp phần bảo vệ môi trường”.
Được Xã đoàn Giục Tượng hỗ trợ vay tín chấp 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành, anh Kỷ đầu tư máy xay vỏ dừa và ủ thành phân bón cung cấp cho các vựa hoa kiểng trong huyện. Chi phí sản xuất mùn dừa không cao, chỉ tốn tiền điện vận hành máy và tiền thuê nhân công đi thu, chở vỏ dừa. Mỗi bao mùn dừa, anh Kỷ bán sỉ giá 25.000 đồng, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng anh Kỷ lời từ 20-30 triệu đồng. Mỗi ngày, anh Kỷ bán sỉ từ 50-100 bao mùn dừa và luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Với nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang đã tích cực phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện, giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và đạt được kết quả đáng ghi nhận, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trở lại. Giai đoạn 2022-2023, từ nguồn vốn bố trí của Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh đã giải ngân hơn 993,4 tỷ đồng cho 10.126 khách hàng, trong đó, hỗ trợ vay tạo việc làm cho 8.893 lao động với số tiền 438 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 643 khách hàng 540,7 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị 190 hộ 8,86 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ tạo việc làm cho 325 lao động số tiền 19,5 tỷ đồng.
Chính sách nhân văn
Một trong những chính sách tín dụng mang ý nghĩa nhân văn cũng đang được triển khai là chương trình cho vay đối với người sau khi chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, giúp người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm khi trở về địa phương, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Hơn 1 năm sau ngày mãn hạn tù, trở về địa phương là khoảng thời gian khá khó khăn đối với gia đình bà Lưu Thị Hảo, ngụ khu phố Nam Cao, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá). Quyết tâm làm lại cuộc đời nhưng khó khăn lớn nhất của bà đó là vốn để tạo việc làm cho chính mình và gia đình. Và cái khó ấy đã được tháo gỡ khi bà cùng nhiều người trong hoàn cảnh tương tự được Hội Nông dân phường Vĩnh Quang hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng chính sách đối với người vừa chấp hành xong án vào tù với mức vay 20 triệu đồng. Bà Hảo nói: “Quyết tâm không sa vào tệ nạn xã hội nữa nên tôi mướn chỗ ngồi tại dốc cầu Vàm Trư để bán nước giải khát. Ráng làm để nuôi con đang học đại học năm thứ ba, đứa học lớp 7 và đứa mẫu giáo”.
Sau khi ra tù, tái hòa nhập cộng đồng, kinh tế gia đình anh Danh Lượm, ngụ xã Minh Hòa (Châu Thành) hết sức khó khăn. Anh Lượm chỉ mong có được ít vốn để sắm dàn âm thanh làm dịch vụ nhạc sóng. “Nghe xã nói có chương trình cho vay đối với người thi hành xong án phạt tù, được gia đình, Hội Nông dân xã hướng dẫn tôi đã làm hồ sơ để vay vốn 50 triệu đồng. Với nguồn vốn được vay, gia đình đầu tư đúng mục đích, duy trì việc làm hàng ngày để có cuộc sống khá hơn”, anh Lượm cho biết.
Đến tháng 11-2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang phối hợp các xã, phường, thị trấn giải ngân cho 229 hộ có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế với tổng dư nợ 2,5 tỷ đồng. Đồng chí Trần Thị Thanh Thúy - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Quang cho biết: “Chính quyền phương phối hợp Công an, các khu phố rà soát nắm từng trường hợp chấp hành xong án tù để hỗ trợ vay vốn theo quy định. Hiện toàn phường có 20 đối tượng được giải ngân vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Thông qua nguồn vốn này, nhiều đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù đã có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng”.
Kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đến tháng 11-2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Kiên Giang đã ủy thác đạt 6.068,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,4%/tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, với 3.261 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 161.947 khách hàng vay vốn đang còn dư nợ, bình quân có 50 thành viên/Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân 38 triệu đồng/khách hàng vay vốn.
Đồng chí Thái Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết: “Từ hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội gắn với dạy nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho trên 36.850 lao động, thu nhập bình quân đầu người 74 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng dư nợ của 24 chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 1.770 tỷ đồng, tăng 964 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 31,4% tổng dư nợ ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Hội quản lý 1.020 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với 50.184 hộ đang dư nợ”. Việc quản lý và thu hồi nợ quá hạn được các cấp hội coi trọng, tích cực phối hợp với Ngân hàng và chính quyền địa phương phân loại nợ, đôn đốc thu hồi nợ, từ đó nợ quá hạn giảm mạnh từ 0,8% năm 2014 xuống còn 0,7% năm 2023.