Kiên Giang dựa vào nội và ngoại lực để phát triển

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang 2019 vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng, Kiên Giang không chỉ có vị trí 'địa chính trị' đặc biệt quan trọng mà còn có vị trí 'địa kinh tế' nhất định. Đó là những mặt thuận lợi 'có một không hai' để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào Kiên Giang và đó là cơ hội lớn để Kiên Giang phát triển.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

NDĐT-Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang 2019 vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng, Kiên Giang không chỉ có vị trí “địa chính trị” đặc biệt quan trọng mà còn có vị trí “địa kinh tế” nhất định. Đó là những mặt thuận lợi “có một không hai” để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào Kiên Giang và đó là cơ hội lớn để Kiên Giang phát triển.

Những tín hiệu vui trong phát triển

Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ hai trong vùng. Với vị trí là cửa ngõ phía Tây, thông ra vịnh Thái Lan, nằm trên Hành lang kinh tế phía nam thuộc tiểu vùng Mê Công mở rộng, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang còn tiếp giáp biên giới trên bộ và trên biển với một số quốc gia trong khu vực ASEAN, có một cửa khẩu quốc tế và một cửa khẩu quốc gia, đã giúp cho Kiên Giang có vị trí “địa chính trị” đặc biệt quan trọng, nhất là về đối ngoại và quốc phòng - an ninh. Đồng thời Kiên Giang còn có vị trí “địa kinh tế” nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế biên mậu, cũng như kết nối giao thông đường biển, đường bộ nội vùng với các nước trong khu vực Đông - Nam Á.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng riêng có, thời gian qua, kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) Trần Thanh Nam đã đưa ra nhiều số liệu so sánh để khẳng định Kiên Giang bứt phá mạnh mẽ thời gian vừa qua, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, giai đoạn 2016 - 2018, Kiên Giang có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 3,38%. Trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, ghi nhận sự tăng trưởng khá của chăn nuôi với 2,01%, dịch vụ nông nghiệp tăng 2,56% và thủy sản tăng 8,5%. Giá trị sản xuất thu được trên một ha đất nông nghiệp tăng, trồng trọt đạt 76,92 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản đạt 115,56 triệu đồng/ha/năm.

Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP của Kiên Giang giảm nhanh, năm 2018 chiếm 34,53%, giảm 7,69% so năm 2016. Trong cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng thế hiện xu hướng chuyển dịch tích cực. Năm 2018, tỷ trọng cảc lĩnh vực trong cơ cấu GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là: Nông nghiệp chiếm 49,53%, lâm nghiệp chiếm 1,43%, thủy sản chiếm 49,03%.

Xây dựng nông thôn mới, Kiên Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Đến nay, Kiên Giang có 48/117 xã và một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã (tăng 3,23 tiêu chí/xã so năm 2016), cao hơn bình quân chung vùng ĐBSCL (15,43 tiêu chí/xã), cao hơn bình quân chung cả nước (15,26 tiếu chí/xã); thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 42,7 triệu đồng/người/năm.

“Bộ NN và PTNT đánh giá cao sự nỗ lực của Kiên Giang trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó đã góp phần chung vào tăng trưởng của vùng ĐBSCL, cũng như của cả nước”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận xét.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng chúc mừng khi ngành du lịch Kiên Giang có những tín hiệu vui mừng. Trong năm 2018, Kiên Giang đón hơn 7,7 triệu lượt khách, tăng 19% so năm 2017 và gần gấp đôi so năm 2016. Nữa đầu năm 2019, Kiển Giang đón gần 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 405 nghìn lượt, tăng 35% so cùng kỳ. Nếu như tổng thu từ khách du lịch của Kiên Giang trong năm 2016 là 3.700 tỷ đồng, thì 2018 đã là 6.400 tỷ đồng, tăng đến hơn 73%.

Song song đó, hạ tầng ngành du lịch của Kiên Giang cũng được quan tâm đầu tư mạnh. Đến nay, Kiên Giang thu hút hơn 300 dự án đầu tư phát triển trên lĩnh vực du lịch, tổng số vốn đăng ký hơn 334.000 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng và đẳng cấp quốc tế đã được đưa vào khai thác. Nhiều điểm đến du lịch của Kiên Giang đã được các tổ chức quốc tế vinh danh.

Nhiều nguồn lực chưa khai thác đúng

Ông Phạm Vũ Hồng thừa nhận, dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng nhìn lại quá trình phát triển vẫn bộc lộ những bất cập, tiềm năng và sự phát triển chưa thật sự tương xứng, một số lợi thế chưa được khơi dậy. Đó là chưa khai thác hết tiềm năng về phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ven bờ ở vùng Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và U Minh Thượng. Đó là còn hoang phí một ngư trường, một vùng biện rộng lớn; là sự phát triển hạn chế tiềm năng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Đặc biệt là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, bên cạnh đảo ngọc Phú Quốc, thì Kiên Giang vẫn còn ba vùng du lịch trọng điểm, nhiều tiềm năng như: Vùng Hà Tiên - Kiên Lương (với quần đảo Bà Lụa, quần đảo Tiên Hải); vùng Rạch Giá - Kiên Hải (với các đảo Hòn Tre, Lại Sơn và quần đảo Nam Du); vùng U Minh Thượng với Vườn Quốc gia U Minh Thượng và nhiều khu di tích lịnh sử.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang nửa đầu năm 2019 đạt hơn 275 triệu USD, với hai mặt hàng chủ lực là gạo và hải sản là chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng cùa tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng sau khi các Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công thương cho biết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giầy… Mức cam kết cao nhất trong EVFTA với gần 100% biểu thuế xóa bỏ, được gọi là cao nhất vì hiện chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẳu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0%. Theo đánh giá thì EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020 và gần 43% vào năm 2025.

Nhiều bộ, ngành hứa ủng hộ Kiên Giang

Trước cơ hội đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất: Kiên Giang cần tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên phát triển công nghiệp chế biến nhằm hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu. Tỉnh cần rà soát, đánh giá tình hình, tập trung thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệ̉p chế biến thực phẩm trong chuỗi sản xuất nông, thủy sản từ nuôi trông, khai thảc, chế biến, bảo quản đến phân phối hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khấu…

Ngoài ra, Kiên Giang cần nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp sản phẩm xuất khẩu của địa phương để tăng cường thu hút đầu tư phát triến trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẳm; tập trung phát triến đội ngũ nhân lực có tay nghề và trình độ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phát triển, đầu tư…

Kiên Giang phát triển sản phẩm xuất khẩu cùng việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông, hải sản; tập trung phát triển đội ngũ các doanh nghiệp thương mại đầu tàu, có sức lan tỏa, với nhiệm vụ kết nối sản xuất với thị trường, sản phẩm với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh hoạt động phân phối và tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc hỗ trợ tỉnh về các thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Kiên Giang lựa chọn và xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, hải sản có thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình thương hiệu quốc gia, Chương trình thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng hứa sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng tỉnh Kiên Giang trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng và tháo gỡ khó khăn trong quá trình Kiên Giang phát triển du lịch.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Chúng tôi cam kết cùng với các bộ, ngành có liên quan, địa phương đồng hành với các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện có hiệu quả sự nghiệp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

“Để Kiên Giang trở thành “một tỉnh phát triển năng động, đạt trình độ khá trong cả nước” và hướng đến mục tiêu “là tỉnh giàu có, phát triển bền vững”, Kiên Giang sẽ làm hết sức mình để phải khơi dậy và khai thác hiệu quả, đồng đều các tiềm năng, thế mạnh, dựa vào hai nguồn lực chính: Nguồn lực bên trong là cơ bản lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, ông Phạm Vũ Hồng quả quyết.

VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41054102-kien-giang-dua-vao-noi-va-ngoai-luc-de-phat-trien.html