Kiên Giang hướng đến ngành 'công nghiệp không khói'

Trong định hướng phát triển, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch, đầu tư và đang khai thác tiềm năng du lịch, để sớm đưa ngành 'công nghiệp không khói' trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Cáp treo Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc.

Cáp treo Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc.

Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với tài nguyên thiên nhiên phong phú và hệ sinh thái đa dạng, có đồng bằng, rừng, núi, sông, hồ, biển, đảo, nhiều bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.

Kiên Giang có đường bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng 63.000km2 và hơn 137 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam với nhiều bãi biển tuyệt đẹp. Tỉnh Kiên Giang có hai vườn quốc gia là Vườn quốc gia Phú Quốc và Vườn quốc gia U Minh Thượng có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Là tỉnh duy nhất ở miền nam có nhiều núi đá vôi chạy tới sát biển tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, độc đáo.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang còn có hệ thống tài nguyên văn hóa lịch sử phong phú, có giá trị với hơn 160 di tích, nhiều vùng là căn cứ cách mạng ở huyện Giồng Riềng, huyện U Minh Thượng, huyện Hòn Đất, thành phố Hà Tiên…

Với tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua du lịch Kiên Giang có bước phát triển về lượng khách, tổng nguồn thu và cơ sở hạ tầng ngành du lịch. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh đã thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với quy mô 9.993ha, tổng vốn đầu tư 408.178 tỷ đồng; trong đó 78 dự án đã hoạt động, với quy mô 1.321ha và tổng với đầu tư 18.344 tỷ đồng…

Nhiều dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng và đẳng cấp quốc tế đã được đưa vào khai thác với các sản phẩm phục vụ du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm được Tổ chức Guinness trao tặng chứng nhận “Cáp treo dài nhất thế giới”, quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, khu vui chơi giải trí Vinwonder, khu vườn thú bán hoang dã Safari, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, Casino Phú Quốc,…

Nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Park Hyatt, Intercontinental, Novotel, Accor cũng đã đặt chân đến thành phố Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang.

Ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Kiên Giang dần khẳng định vai trò mũi nhọn trong sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang ước đạt hơn 8,5 triệu lượt, tăng 15,3% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đón hơn 573.200 lượt, tăng 203,3% so cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 17.500 tỷ đồng, tăng 65,1% so cùng kỳ.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt du khách đến tỉnh Kiên Giang ước trên 5,4 triệu lượt, đạt 59,2% kế hoạch năm 2024; trong đó du khách quốc tế ước đón trên 508.000 lượt, đạt 74,8% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 13.394 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch.

Tại quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, tỉnh Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong cực tăng trưởng quốc gia khu vực phía nam, khu vực động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển. Trong đó, thành phố Phú Quốc là 1 trong 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, thành phố Hà Tiên là một trong những điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Cùng với các tỉnh, thành phố khác, du lịch tỉnh Kiên Giang góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Mới đây, tại hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, nhận định du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế.

Do đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành du lịch tỉnh tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, mở rộng thị trường du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5/10/2004 phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm: du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên, cảng hàng không, cảng biển.

Phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch y tế...; xây dựng Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái, trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, Sở cũng đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn lực, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,… nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng du lịch trọng điểm của cả nước; các tỉnh ven biển miền Đông Thái Lan và Tây Nam của Campuchia để kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía nam; liên kết, hợp tác du lịch với khu vực ASEAN và quốc tế,…

“Sở đang hoàn thiện số hóa dữ liệu ngành du lịch, thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, hình thành nền tảng dữ liệu về du lịch nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số,…”, ông Thái cho biết thêm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang mới đây ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND, ngày 6/8/2024 về thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn. Từ đó hướng tới việc phát triển đa dạng các hoạt động du lịch và phát huy tiềm năng của ngành này trong giai đoạn tới.

Theo kế hoạch này, đến năm 2025 Kiên Giang sẽ đón 10,7 triệu lượt du khách (du khách quốc tế đạt 900.000 lượt). Đến năm 2030 đón 23,667 triệu lượt du khách (du khách quốc tế đạt 1,667 triệu lượt). Đến năm 2025 tạo việc làm cho 38.600 người lao động trực tiếp và đến năm 2030 đạt 65.500 người lao động trực tiếp. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP của tỉnh; đến năm 2030 đạt 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh.

Trong giai đoạn 2024-2030, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung cơ cấu lại thị trường du khách đến với tỉnh, đặc biệt là nhóm du khách nước ngoài. Thông qua việc nâng tỷ lệ thị trường du khách châu Âu, đưa thị trường du khách Đông Nam Á thành thị trường trọng điểm, khai thác ổn định nguồn du khách Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang cũng chú trọng khai thác thị trường mới từ Ấn Độ và Trung Đông. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng chú trọng việc tăng tỷ lệ khách quốc tế đến 3 vùng du lịch trọng điểm Hà Tiên-Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá-Kiên Hải-Hòn Đất và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận để giảm sự chênh lệch với thành phố Phú Quốc.

Về loại hình du lịch, tỉnh Kiên Giang sẽ hình thành 3 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: tham quan hệ sinh thái địa hình giao thoa biển và đồng bằng ở thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương; tham quan nghiên cứu về bò biển (dugong), cá heo và đồi mồi trong môi trường tự nhiên và tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo thành phố Phú Quốc.

Tỉnh Kiên Giang cũng tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trong rừng, thể thao mạo hiểm, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học, trải nghiệm đời sống hoang dã; du lịch khám phá thành phố Hà Tiên, quần đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên).

Đồng thời mở rộng khai thác du lịch cộng đồng; du lịch thương mại tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng, khảo cổ văn hóa Óc Eo; du lịch đô thị, giải trí sang trọng tại thành phố Phú Quốc…

Ngoài ra, tỉnh khuyến khích hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công, tư cho phát triển hạ tầng du lịch; tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; chú trọng tổ chức dịch vụ kinh tế đêm…

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kien-giang-huong-den-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-197175.html