Kiên Giang: Huyện Hòn Đất phát động 'Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy'
Sáng 04/10, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phát động hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy' năm 2022 với sự tham gia của gần 200 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện.
Tới dự có đồng chí Đỗ Văn Tân, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; đồng chí Đào Xuân Nha, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện; Trung tá Trần Thị Bích Liên, Phó Trưởng Công an huyện Hòn Đất,...
Đồng chí Đào Xuân Nha, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện, nêu rõ, vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy là một trong những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế xã hội của huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, người dân yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập,... ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 05 vụ cháy, 02 sự cố, tai nạn làm chết 02 người, bị thương 01 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1,6 tỷ đồng gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân.
Trên địa bàn huyện Hòn Đất tuy không xảy ra cháy, nổ, nhưng trên thực tế, công tác phòng chống cháy, nổ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, đáng quan tâm, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, trong đó, chú trọng công tác xây dựng lực lượng PCCC và CNCH vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Phòng cháy chữa cháy, cảnh báo tình hình cháy nổ nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở các khu vực, cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao để chủ động phòng tránh.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng nguy cơ cháy nổ cao như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng,…cần thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, các vật dụng, hệ thống điện, nguồn nhiệt có nguy cơ gây cháy và dễ cháy nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra.