Kiên Giang kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL - Liên kết cùng phát triển
Trong thời gian 5 ngày, từ ngày 29/9 đến ngày 3/10, Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024 diễn ra tại Kiên Giang với chủ đề 'Liên kết cùng phát triển – Kiên Giang', có nhiều hoạt động sôi nổi như Tổ chức Triển lãm không gian trưng bày sản phẩm OCOP; Hội thi sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị kết nối giao thương... thu hút đông đảo DN, người dân...
Đây cũng là lần đầu tiên chương trình “Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang. Diễn đàn là một sự kiện lớn của vùng, có ý nghĩa quan trọng gắn với mục tiêu hình thành không gian kết nối, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời là không gian để người tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối có thể tiếp cận, trải nghiệm và giao thương sản phẩm OCOP. Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 35 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng gần 15 tỉnh, thành phố tham dự so với lần đầu tiêu tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 2.900 sản phẩm của trên 1.500 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Các địa phương trong Vùng đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như: trái cây, thủy sản, lúa gạo để phát triển.
“Sản phẩm OCOP đã khai thác và phát huy được giá trị sản, văn hóa và giá trị truyền thống của các địa phương. Sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã góp phần thay đổi về tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật lợi thế so sánh, góp phần tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi và phát triển kinh tế ở những vùng đặc biệt khó khăn và nhóm yếu thế”, ông Ngô Trường Sơn cho biết.
Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn thông tin, với địa hình đa dạng có đồng bằng, đồi núi, biển đảo, tỉnh Kiên Giang có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Thực hiện đề án chương trình “mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh có 269 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của gần 140 chủ thể. Công tác xúc tiến thương mại được tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị. Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thành lập nhiều Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOp, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Việc đăng cai tổ chức diễn đàn là một trong những sự kiện quan trọng để các sản phẩm của tỉnh, của khu vực được quảng bá rộng rãi hơn.