Kiên Giang: Liên kết, phát huy tiềm năng lợi thế phát triển du lịch

Kiên Giang là 1 trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù tạo ra nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch biển, đảo.

Gian hàng trưng bày sản phẩm

Gian hàng trưng bày sản phẩm

Liên kết “kích cầu” du lịch

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 đón trên 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,5 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP của tỉnh và tạo việc làm cho 38.600 lao động trực tiếp.

Đến năm 2030, tỉnh đón 23 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 5,7 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh; tạo việc làm trực tiếp cho 65.500 lao động, …

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển du lịch gắn với kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho rằng phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển đóng vai trò chủ lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Do đó, cần đánh thức những tiềm năng, lợi thế, vượt qua những thách thức để phát triển du lịch gắn với kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kiên Giang là tỉnh có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ đa dạng, tài nguyên với tiềm năng đất đai, đồi núi, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển đảo. Vùng biển Kiên Giang có diện tích khoảng 63.290km2, 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 40 hòn đảo có dân cư sinh sống. Để phát triển bền vững du lịch tỉnh cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển và cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch. Thực hiện khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch.

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Rạch Giá - Chủ tịch Hiệp Hội du lịch tỉnh Kiên Giang đánh giá Kiên Giang là điểm đến hấp dẫn, tuyệt vời, do đó, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cần tăng cường liên kết để thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du khách quốc tế.

Hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không "Kích cầu du lịch"

Hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không "Kích cầu du lịch"

Phát huy tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch, đặc biệt là Hòn Đảo Ngọc – thành phố Phú Quốc, như: Khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới-Hòn Thơm, khu vui chơi giải trí hàng đầu Đông Nam Á-Phú Quốc United Center (thành phố không ngủ), khu VinWonders Phú Quốc-Thiên đường vui chơi giải trí, Vinpearland, casino,...

Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án mô hình phục vụ phát triển kinh tế biển; quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch tuyến đường Hà Tiên-Rạch Giá quy mô 4 làn xe kết nối với dự án đường hành lang ven biển phía Nam.

Tích cực triển khai thực hiện các dự án xây dựng các tuyến đường ven biển qua địa bàn tỉnh như: Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương, năng lực vận tải hành khách đường biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và nhu cầu du lịch biển và hải đảo; phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đưa thành phố Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển cao cấp mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Quy hoạch tỉnh, ngành và các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm có biển như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Châu Thành, Kiên Hải, An Biên, An Minh...; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị; quy hoạch vùng lặn biển, vùng hoạt động của mô- tô nước; quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ để làm cơ sở phục vụ cho việc phát triển các ngành kinh tế biển.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và cải cách thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi để ưu tiên thu hút đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không tỉnh Kiên Giang tại thành phố Phú Quốc; Xúc tiến Du lịch Phú Quốc, Kiên Giang và Ấn Độ. Khai thác tốt các thị trường hiện có, chú trọng tìm kiếm khách hàng và thị trường mới; nắm bắt thông tin, nhu cầu của thị trường, khai thác và phát triển thị trường nội địa, thị trường nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh khu, điểm, tour, tuyến du lịch và các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch của doanh nghiệp.

Liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và quốc tế hình thành liên kết các tour, tuyến du lịch của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, trong nước và quốc tế kết hợp với các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài để mời gọi đầu tư phát triển du lịch và thu hút khách du lịch.

Xúc tiến du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hội nhập kinh tế quốc tế

Xúc tiến du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hội nhập kinh tế quốc tế

Mở rộng các hoạt động xúc tiến nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác tuyên truyền xúc tiến đầu tư, thương mại theo hướng chuyên nghiệp hóa và liên kết vùng.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường; tham gia các hội chợ quốc tế du lịch; nghiên cứu thị trường và đánh giá khả năng tiềm lực du lịch của tỉnh để lựa chọn kênh phân phối và áp dụng các hình thức xúc tiến sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch phù hợp.

Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng trong nước; mở rộng liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, phát triển các tuyến du lịch đường bộ, đường biển và đường hàng không, các cửa khẩu,...

Phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng mang lại tác động tích cực đối với cộng đồng địa phương trên rất nhiều phương diện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc bán các sản phẩm du lịch cho du khách bên cạnh những thu nhập từ công việc truyền thống của mình. Từ đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt của địa phương. Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư dựa trên sự chung tay của cộng đồng địa phương cũng như nguồn quỹ cộng đồng thu được từ hoạt động du lịch hoặc nhận được viện trợ, đóng góp của các du khách cho địa phương.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (người đứng bên phải, hàng đầu) và ông Đỗ Thanh Bình (người đứng bên trái, hàng đầu) tham quan khu trưng bày sản phẩm

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (người đứng bên phải, hàng đầu) và ông Đỗ Thanh Bình (người đứng bên trái, hàng đầu) tham quan khu trưng bày sản phẩm

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Rạch Giá - Chủ tịch Hiệp Hội du lịch tỉnh Kiên Giang nhận định để phát triển du lịch cộng đồng một cách có hiệu quả cần phải xác định làm du lịch là làm cái gì? Đó là bản sắc bản địa tạo sự khác biệt, cơ sở lưu trú, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nhằm đem đến cho du khách một cảm giác thoải mái, dễ chịu, tràn đầy năng lượng tích cực về điểm đến du lịch.

Phải thay đổi tư duy làm du lịch cộng đồng, đó là, du lịch cộng đồng phải làm cho du khách có cảm giác như “về nhà”. Ở đó, du khách có người trò chuyện cùng, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái như trong gia đình. Điều đó không có nghĩa là du lịch cộng đồng có gì thì làm nấy mà phải đổi mới tư duy nhận thức làm du lịch cộng đồng, hướng tới tư duy sáng tạo đưa ra ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương.

Du khách ấn tượng với sản phẩm được làm từ cỏ bàng - Phú Mỹ - huyện Giang Thành

Du khách ấn tượng với sản phẩm được làm từ cỏ bàng - Phú Mỹ - huyện Giang Thành

Xây dựng phong cách ứng xử có văn hóa, thân thiện đối với khách du lịch theo phương châm “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, cởi mở, thân thiện “Đón khách như đón người thân trở về”. Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch.

Phải tính toán sao cho không chỉ duy trì tính nguyên bản của điểm đến mà còn làm cho du khách cảm nhận được đầy đủ các giá trị văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, là tuyên truyền cho người dân trực tiếp tham gia du lịch cộng đồng để họ tham gia một cách tự giác, tích cực và hiểu được ý nghĩa của phát triển du lịch cộng đồng, đổi mới tư duy và hành động với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.

Với nguồn kinh phí 30.647.426.080 đồng, trong đó, nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước 17.268.226.080 đồng, nguồn vốn đối ứng xã hội hóa: 13.379.200.000 đồng, tỉnh Kiên Giang xem phát triển du lịch cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-chu-trong-lien-ket-phat-huy-tiem-nang-loi-the-phat-trien-du-lich-a16931.html