Kiên Giang: Nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại do thời tiết nắng nóng gay gắt
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, tình hình sản xuất rau màu gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, khoảng 50% diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Nắng nóng gay gắt kéo dài hơn 2 tháng qua khiến nhiều diện tích rau màu ở tỉnh Kiên Giang bị ảnh hưởng, làm giảm thu nhập của nông dân.
Là một trong những hộ gắn bó nhiều năm và có diện tích trồng rau màu lớn ở ấp Minh Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, vụ rau màu thứ 2 trong năm 2024 (xuống giống từ giữa tháng Hai), hộ bà Thị Phụng sản xuất trên diện tích khoảng 1.200m2 với 4 loại rau gồm: ngò om, rau cần nước, xà lách và rau răm.
Tất cả 4 loại rau đều bị ảnh hưởng, thiệt hại do thời tiết nắng nóng liên tục trong nhiều ngày qua. Trong đó, xà lách, rau cần nước thiệt hại 100%, rau ngò om thiệt hại khoảng 80% và rau răm bị ảnh hưởng, chậm phát triển.
Bà Phụng cho hay hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rau màu, trừ đợt hạn mặn mùa khô năm 2016 thì đây là lần thứ 2 rau màu của gia đình bị thiệt hại nhiều nhất. Gia đình bà thường duy trì từ 1.200-1.600m2 trồng nhiều loại rau màu khác nhau để tránh tình trạng "dồn hàng ế chợ" và trung bình mỗi tuần sẽ thu hoạch bán được khoảng 2 triệu đồng.
"Vụ rau màu này coi như mất trắng vì 2 tháng nay dù tôi cố gắng bơm nước lên ao trữ và chạy mô tưa tưới ngày 3 lần nhưng rau vẫn héo úa và chết dần, số còn lại thì chậm phát triển không bán được. Gia đình tôi vừa thất thu từ rau màu, vừa phải tốn tiền mua dầu chạy máy, tốn tiền điện chạy mô tưa. Hiện tại, tôi cùng chồng cuốc bỏ các liếp rau để phơi đất, chờ có mưa để xuống giống," bà Phụng cho hay.
Cũng trong tình cảnh tương tự, hơn 2 tháng qua, gia đình ông Danh Linh, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành thất thu từ vườn hẹ. Ông Linh cho biết với diện tích 400m2, khi thời tiết thuận lợi, các luống hẹ cũng mang về thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Riêng vụ hẹ đầu năm nay, do lo ngại về hạn mặn nên vợ chồng ông chỉ trồng trên diện tích hơn 200m2.
"Nắng nóng làm héo cọng và cây hẹ cũng ít đẻ nhánh nên không thể nào bán được. Từ khi trồng đến nay, ngày nào tôi cũng tưới nước 3 lần vào sáng sớm, trưa và chiều muộn nhưng vườn hẹ vẫn không phát triển. Hiện tại, tôi cố gắng chăm sóc với hy vọng sẽ giữ lại được một phần để làm giống trồng lại vụ mới," ông Linh cho biết thêm.
Còn bà Nguyễn Thị Hường, ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp cho biết do dự báo có nắng nóng và hiện tượng El Nino xuất hiện trong mùa khô năm nay nên gia đình đã chủ động bỏ vụ rau màu thứ hai trong năm nhằm tránh bị thiệt hại.
"Gia đình tôi chuyên trồng khổ qua và dưa leo trên diện tích 1.500m2. Nếu thuận lợi, mỗi vụ cũng có lời từ 8-10 triệu đồng. Ban đầu, tôi và chồng cũng băn khoăn có nên bỏ vụ hay không, vì bỏ đất 3 tháng trời, không có thu nhập cũng tiếc. Nhưng nghe dự báo thời tiết khắc nghiệt và giá điện, giá xăng dầu tăng cao nên gia đình tôi quyết định bỏ vụ. Nhờ vậy mà gia đình tôi không bị thiệt hại, ảnh hưởng trong đợt này. Tôi đang phơi đất, đợi có mưa sẽ xuống giống khổ qua," bà Hường chia sẻ.
Theo bà Huỳnh Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, trên địa bàn xã có khoảng 100 hộ trồng rau màu các loại như khổ qua, dưa leo, cải xanh, xà lách, ớt và các loại rau thơm, với tổng diện tích gần 11ha.
Tình hình sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, khoảng 50% diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.800ha rau màu và được trồng rải rác ở các địa phương. Tỉnh không có vùng chuyên canh trồng rau màu và chủ yếu các hộ trồng tự phát với quy mô nhỏ lẻ, dao động từ 200-1000m2.
Để giúp cho nghề trồng rau màu đạt hiệu quả, đơn vị thường phối hợp với các ngành liên quan, địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc các loại rau màu, đồng thời kịp thời thông báo, dự báo tình hình thời tiết, bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp…
Đối với những ảnh hưởng, thiệt hại gần đây, ngành sẽ phối hợp với các địa phương nắm tình hình để có đánh giá và đề ra kế hoạch sản xuất phù hợp hơn trong thời gian tới, đặc biệt là vào mùa khô hằng năm," ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết thêm./.