Kiên Giang nỗ lực cao để đạt mức tăng trưởng 6,02% trong năm 2022
Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 của Kiên Giang đạt 4,42%, khá hơn so cùng kỳ 2 năm trước (năm 2020 tăng 3,03%; năm 2021 tăng 3,54%). Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng 6,02% vào cuối năm như kế hoạch đã đề ra, các ngành, các cấp trong tỉnh cần nỗ lực rất cao mới hoàn thành.
Trong số 24 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang giao trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện 4 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu đạt trên 90%, 3 chỉ tiêu đạt trên 50%, 9 chỉ tiêu cuối năm đánh giá, chỉ có 1 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch.
Tại hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2022, Thường trực UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế. Một số chỉ tiêu đạt thấp và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: Sản lượng khai thác thủy sản giảm 6%; huy động vốn toàn xã hội hụt 3.366 tỷ đồng so với dự kiến; nguồn thu tiền cho thuê đất, mặt nước giảm 52%; nguồn thu xổ số kiến thiết giảm 32%; xuất khẩu hàng nông sản giảm 13%...
Đáng lưu ý, công tác giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện nhưng vẫn chậm và thấp hơn bình quân của cả nước. Tính đến cuối tháng 6-2022, toàn tỉnh Kiên Giang có 22 đơn vị giải ngân thấp dưới 30% kế hoạch. Một số ngành, địa phương được giao vốn nhiều nhưng giải ngân đạt thấp như: Giáo dục và đào tạo (15,5%), giao thông vận tải (21,3%), du lịch (11,9%), biên phòng (9,75%), văn hóa - thể thao (2,8%), tài nguyên và môi trường (0,9%), Kiên Hải (17,1%), Châu Thành (9,1%), Kiên Lương (14,2%), TP. Phú Quốc (18,3%)…
Nhiều công trình trọng điểm chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa tổ chức đấu thầu thi công như: Đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương, đường 3 Tháng 2 nối dài, đường Minh Lương - Giục Tượng, đường tránh thị trấn Minh Lương… Vướng mắc trong công tác bồi trường giải phóng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm, tập trung ở các địa phương, đơn vị như Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá, huyện Châu Thành, huyện Hòn Đất…
Bên cạnh đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính hồ sơ trễ hẹn vẫn còn nhiều. Tại Trung tâm tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vẫn còn 1.392 hồ sơ trễ hẹn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 728 hồ sơ, Sở Công thương 204 hồ sơ, Sở Giao thông Vận tải 149 hồ sơ, Sở Tư pháp 131 hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường 110 hồ sơ, Sở Xây dựng 41 hồ sơ… Tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu một số sở, ban, ngành và địa phương chưa cao, đôi lúc thiếu chủ động; chất lượng tham mưu đề xuất chưa đạt yêu cầu, phải trả hồ sơ trình lại…
Để đạt mức tăng trưởng 6,02 trong năm 2022 là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, cần phải có sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Theo đó, giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, địa phương cần đề cao tính chủ động, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2022; các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu quý III, IV-2022 và cả năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai, ứng phó thời tiết diễn biến phức tạp; tăng cường công tác khuyến công phấn đấu sản lượng lúa các vụ còn lại đạt từ 1,95 triệu tấn trở lên, sản lượng nuôi tôm đạt từ 52.446 tấn trở lên.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định giá đất nhất là đối với các công trình trọng điểm đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện và các dự án trọng điểm của các nhà đầu tư trên địa bàn TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá…
Kiên Giang phấn đấu 6 tháng cuối năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 25.350 tỷ đồng trở lên. Ảnh: THANH NHÃ
Ngành công thương cùng với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng cường thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 25.350 tỷ đồng trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 63.678 tỷ đồng; xuất khẩu đạt từ 392 triệu USD.
Ngoài ra, 6 tháng cuối năm Kiên Giang phải phấn đấu thu ngân sách đạt từ 4.950 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 24.683 tỷ đồng; thu hút 2,1 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế 153.000 lượt, tổng doanh thu đạt trên 3.768 tỷ đồng.