Kiên Giang phát triển chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, nhất là tăng cường phát triển chính quyền số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Để phục vụ tốt hơn công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng, tỉnh nâng cấp, hợp nhất Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Kiên Giang thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang với địa chỉ truy cập https://dichvucong.kiengiang.gov.vn.

Hiện, tỉnh Kiên Giang cung cấp 1.925 thủ tục hành chính, công khai đầy đủ nội dung theo quy định, kết nối liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 1.414 dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh.

Đến ngày 19/7/2023, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 231.132 hồ sơ; trong đó có 98.155 hồ sơ trực tuyến, đạt 42,4%, tăng 29,12% so năm 2022, tỷ lệ thanh toán trực tuyến 16,2%, tăng 6,7% so năm 2022.

Viên chức ngành bảo hiểm xã hội tỉnh sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu giải quyết chế độ, chính sách cho người dân.

Viên chức ngành bảo hiểm xã hội tỉnh sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu giải quyết chế độ, chính sách cho người dân.

Giám đốc Sở TT&TT Võ Minh Trung cho biết, theo đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Kiên Giang xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so năm 2022.

6 tháng đầu năm 2023, chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh đều tăng so năm 2022 như 100% thủ tục hành chính được công khai đầy đủ theo quy định; 48,37% hồ sơ được số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 100%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận thủ tục hành chính đạt 90,56%...

Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai tại các cơ quan nhà nước, đoàn thể, đơn vị trực thuộc và 100% ủy ban nhân dân (UBND) huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh hoàn thành triển khai đưa vào sử dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc trên môi trường mạng (phòng họp không giấy) tại hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đang triển khai mở rộng tại hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Với mô hình phòng họp không giấy, tất cả tài liệu họp được số hóa chuyển đến thành viên dự họp, giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, nâng cao hiệu quả công việc.

Hiện có 3.569 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thuộc các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đang hoạt động; trong đó có 3.080 chứng thư số của cá nhân, 489 chứng thư số của tổ chức.

Đến nay, tỉnh hoàn thành tích hợp 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Tỉnh triển khai kết nối cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gồm các cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội; dịch vụ kết nối bưu chính công ích; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực định danh điện tử; hệ thống tư pháp - hộ tịch.

Kiên Giang phát triển chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Kiên Giang phát triển chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là khâu quan trọng, trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối Internet.

Với mức độ 3, việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện tại cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người sử dụng có thể thanh toán lệ phí trực tuyến, sử dụng hình thức thanh toán điện tử. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Theo Phó Giám đốc Sở TTT&TT Nguyễn Xuân Kiệm, dịch vụ công trực tuyến mang đến nhiều tiện ích cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến quan trọng. Nội dung, hình thức tuyên truyền thường xuyên đổi mới, phù hợp đối tượng thụ hưởng tiện ích từ dịch vụ công trực tuyến.

Trong tuyên truyền, các địa phương nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của dịch vụ công trực tuyến trong cải cách hành chính, triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số và tiện ích mà người dân được thụ hưởng.

T.H

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kien-giang-phat-trien-chinh-quyen-so-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-tot-hon-2183236.html