Kiên Giang: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Nghị quyết 104/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Kiên Giang đã chỉ rõ, công tác dự báo nguồn nhân lực của các cấp, các ngành chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên việc quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Minh An (Phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang)

Tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Minh An (Phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang)

Bài 2: Môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến chưa hấp dẫn

Từ thực trạng, Nghị quyết 104/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Kiên Giang đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đó là, công tác dự báo nguồn nhân lực của các cấp, các ngành chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên việc quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, trong quá trình thực hiện, các cấp các ngành chưa căn cứ vào nhu cầu của xã hội mà chỉ dựa theo khả năng của các cơ sở đào tạo; sự phân luồng để đào tạo chưa hiệu quả; tư vấn tuyển sinh định hướng nghề nghiệp cho người lao động chưa tốt nên xảy ra tình trạng đào tạo thì nhiều nhưng không phù hợp với ngành nghề mà xã hội, doanh nghiệp đang cần.

Chất lượng một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, mặc dù bằng cấp đạt chuẩn, trang thiết bị chưa đầy đủ; chương trình đào tạo chưa tiếp cận tốt yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là các kỹ năng mềm cho người lao động.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành, địa phương. Việc đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực còn bất cập và lúng túng, chưa có giải pháp điều hành có hiệu quả.

Môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học công nghệ còn thiếu, chưa tạo điều kiện tốt để phát huy lực lượng này. Các chính sách thu hút nguồn nhân lực chưa đủ mạnh, việc trọng dụng nhân tài, đãi ngộ chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi thiếu đồng bộ, còn mang tính bình quân nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác.

Điều kiện dự tuyển của cán bộ, công chức, viên chức tham gia Đề án Đào tạo sau đại học ở nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015 phải từ 30 tuổi trở xuống đối đào tạo thạc sĩ, từ 40 tuổi trở xuống đối đào tạo tiến sĩ là chưa phù hợp với tình hình thực tế về dự nguồn ứng viên của tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch đào tạo đa số hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên nhiều cán bộ, công chức, viên chức không đủ điều kiện cử đi học.

Chính sách thu hút của đề án đối với sinh viên cũng chưa phù hợp như mức đền bù chi phí gấp 05 lần nếu không tốt nghiệp hoặc không làm việc tại tỉnh theo cam kết, hoặc thời gian phục vụ trong tỉnh của các ứng viên ít nhất là 10 năm sau khi tốt nghiệp… là quá dài, chưa khuyến khích ứng viên tham gia.

Đề án cũng chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên học ngoại ngữ, vì vậy chưa thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Môi trường làm việc chưa phát huy hết hiệu quả đào tạo nên có trường hợp bỏ việc, bồi thường kinh phí đào tạo. Cơ hội phát triển, thu nhập và môi trường công tác tại tỉnh chưa thực sự hấp dẫn, tạo được tính cạnh tranh so với các địa phương khác nên việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Đánh giá về nguyên nhân nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang chưa cao, theo ThS Tô Thị Trúc Giang, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, điểm xuất phát về mặt bằng dân trí của tỉnh thấp bởi tỉnh có địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, khó tập trung cho đào tạo và giải quyết việc làm. Tỉnh có vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông không thuận lợi; ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề còn nhiều khó khăn.

Một số cấp ủy, chính quyền và bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, nội dung của công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tiến trình phát triển của xã hội. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thiếu cố gắng vươn lên trong học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.

Việc phân công, phân cấp và phối hợp quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có lúc thiếu chặt chẽ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, học tập nhiều nơi còn thiếu, xuống cấp và lạc hậu.

Một số chính sách hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có mặt chưa phù hợp, chưa thỏa đáng. Môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến chưa hấp dẫn, khó thu hút các chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và sinh viên khá, giỏi về tỉnh công tác.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hoàng Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng tỉnh Kiên Giang, cho rằng, các nhân tố tác động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Kiên Giang vẫn còn những hạn chế dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Chính sách thu hút người tài đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang vẫn chưa thu hút được nhiều người hoặc đến nhưng không làm việc lâu dài. Nguyên nhân chính là do Kiên Giang là tỉnh ở xa các trung tâm lớn của phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Cần Thơ, điều kiện về phát triển bản thân chưa được hoàn thiện (các viện, trường, trung tâm nghiên cứu).

Các công trình nghiên cứu khoa học đã tăng dần tính ứng dụng thực tiễn, tuy nhiên các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào cácnghiên cứu ứng dụng chưa có nhiều nghiên cứu cơ bản. Việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán các đề tài nghiên cứu khoa học làm cản trở tâm huyết của các nhà nghiên cứu.

TS Nguyễn Thị Hoàng Quyên cũng cho rằng phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang chủ yếu tập trung vào các mảng nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế chưa dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ. Sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ, chưa áp dụng nhiều công nghệ hiện đại; thủy sản chủ yếu phát triển đánh bắt hải sản tự nhiên; việc đầu tư nuôi tôm công nghiệp còn nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên và giá cả thị trường không ổn định.

Thị trường lao động chủ yếu cung cấp các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các tiêu chuẩn của các nhà tuyển dụng chưa được cụ thể, chưa có thông tin tuyển dụng đối với nhân lực chất lượng cao.

Số lượng giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế chưa nhiều. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều dẫn đến dàn trải trong đầu tư. Công tác hợp tác quốc tế giữa các trường của tỉnh Kiên Giang với các viện trường quốc tế trong việc trao đổi học thuật, nghiên cứu còn hạn chế.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ dừng lại ở các hoạt động đầu tư sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, vẫn chưa có nhiều hoạt động tham gia vào chuỗi sản xuất hoặc cung ứng quốc tế.

Còn ThS Vũ Thị Thu Hiền, Học viện Chính trị Khu vực IV, nhận định, do vị trí địa lý, hạ tầng giao thông tỉnh Kiên Giang không được thuận lợi nên ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ cao.

Một số cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi đào tạo sau đại học theo nhu cầu của đơn vị nhưng chưa đảm bảo quy định hiện hành của Chính phủ và của tỉnh về độ tuổi, số năm công tác, chuyên ngành đào tạo và vị trí việc làm. Nhiều cán bộ đi học theo phong trào, lựa chọn những ngành thi dễ đậu, dễ học, dễ tốt nghiệp không liên quan đến chuyên môn đang công tác, không có quy hoạch đã được đào tạo. Thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, động viên để cán bộ có động lực theo học đúng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nhìn chung cho đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng: Kinh viện, giáo điều, nặng về lý thuyết, nhẹ về hướng dẫn thực hành. Nhiều nội dung môn học trùng lặp, dàn trải, thiếu thiết thực, lý thuyết xa rời thực tế, hoặc lý thuyết rất khó vận dụng vào công việc mà người học đang làm.

Việc đào tạo nguồn nhân lực còn chạy theo thành tích và thương mại hóa dẫn đến tệ “học giả bằng cấp, chứng chỉ thật”. Ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng không đồng bộ. Quá trình đánh giá, sử dụng kiến thức sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm thỏa đáng.

Lực lượng lao động còn mất cân đối giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được chuẩn hóa nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao theo yêu cầu của nền công vụ. Cơ cấu đội ngũ cán bộ có mặt chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong một số cơ quan còn thấp. Việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động nông thôn chưa thực hiện tốt và nguồn nhân lực sau khi đào tạo chưa phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-1-a27091.html