Kiên Giang: Quyết tâm thực hiện tốt lời hứa với cử tri và nhân dân

Trong 2 ngày 25 - 26/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20.

Đây là kỳ họp cuối năm 2023 tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Theo đó, HĐND tỉnh ra Nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2024.

Cụ thể các chỉ tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 81,6 triệu đồng/người; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1,52% và công nghiệp tăng 10% trở lên; thu hút 9,2 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch với tổng doanh thu đạt 16.900 tỷ đồng; tổng thu ngân sách hơn 16.900 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 45.000 tỷ đồng; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì dưới 2%...

HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20.

HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20.

Năm 2024, tỉnh thực hiện các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn, quyết liệt thực hiện các giải pháp giải ngân, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư kết hợp với tăng cường chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tập trung tái cơ cấu quy mô sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh, trọng tâm là lúa và thủy sản.

Cụ thể là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề án sản xuất giống nông - lâm - thủy sản, đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030, đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp.

Đặc biệt là phát triển mô hình lúa hữu cơ - tôm, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương... Duy trì ổn định sản lượng lúa và sản xuất lúa có chất lượng cao, sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, theo chuỗi giá trị, theo hướng bền vững, an toàn, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây màu, cây ăn quả, với một số cây chủ lực phù hợp với các địa phương như: Khóm, cây ăn quả các loại…

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, đảm bảo cơ cấu phù hợp ổn định giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Trong đó, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, với các sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô, diện tích lớn, tạo sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Tiếp đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi, một số đối tượng nuôi có tiềm năng lớn và có giá trị kinh tế cao như: Cá bớp, cá bống, ngọc trai, rong sụn... thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ về đầu tư, vốn từ các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là trong khu vực chế biến, chế tạo.

Rà soát tình hình đầu tư của các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án có giá trị gia tăng cao; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án sớm đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo dư địa cho tăng trưởng.

Đẩy nhanh thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục về quy hoạch và ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sâu về nông sản, thủy sản ngay tại vùng nguyên liệu sẵn có, gắn với quy hoạch đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu, nhất là vùng nuôi biển, nuôi tôm công nghiệp.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp.

Đồng thời, tỉnh Kiên Giang tăng cường xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương kết nối xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng, phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP, phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, đưa vào khai thác các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sản phẩm truyền thống gắn với phát triển và phục vụ du lịch.

Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tỉnh, kinh tế tỉnh tăng trưởng đạt 6,79%, thực hiện đạt và vượt 23/24 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ông Mai Văn Huỳnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại kỳ họp.

Ông Mai Văn Huỳnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại kỳ họp.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản, huy động vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng giao thông nông thôn đạt thấp và giảm so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng và tàu cá trong tỉnh vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài chưa được ngăn chặn triệt để...

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang đã quyết nghị thông qua 19 nghị quyết trên các lĩnh vực quan trọng, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với giám đốc các sở, nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề được cử tri trong tỉnh và các vị đại biểu quan tâm như: An ninh, an toàn xã hội, giao thông, cấp quyền sử dụng đất, thiếu thuốc chữa bệnh, ngộ độc thực phẩm, thừa và thiếu giáo viên…

Đặc biệt, HĐND yêu cầu UBND tỉnh, lãnh đạo các sở thực hiện tốt lời hứa trước các vị đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Chủ động hơn nữa trong hoạt động giám sát, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng và giám sát đôn đốc việc giải quyết nhằm đem lại quyền lợi, lợi ích chính đáng cho nhân dân.

Nguyễn Thanh Xuân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kien-giang-quyet-tam-thuc-hien-tot-loi-hua-voi-cu-tri-va-nhan-dan-a642553.html