Kiên Giang tăng trưởng GRDP cao nhất trong 5 năm qua

Thông tin tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của địa phương có nhiều điểm sáng, trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ghi nhận kết quả cao nhất từ năm 2019 đến nay.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Kiên Giang bầu ông Hồ Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế giữ chức Ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Kiên Giang bầu ông Hồ Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế giữ chức Ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang

Thiếu thuốc, đào tạo nghề… làm "nóng" phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Ủy viên UBND tỉnh về những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Phiên họp đã ghi nhận 11 nội dung chất vấn liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, y tế, xây dựng, tài nguyên và môi trường, dân tộc và thi hành án dân sự.

Đại biểu Đặng Thị Hồng Gấm (Tổ đại biểu TP. Phú Quốc) nêu vấn đề về tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn còn thấp. Nhiều học sinh chưa học nghề đã xin vào làm việc sớm tại các công ty. Qua đó, đề nghị, lãnh đạo ngành lao động, thương binh và xã hội cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Đặng Thị Hồng Gấm chất vấn về công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau khi tốt nghiệp THCS

Đại biểu Đặng Thị Hồng Gấm chất vấn về công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau khi tốt nghiệp THCS

Trước mối quan tâm của đại biểu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hồng Sơn cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 71% học sinh theo học THPT sau tốt nghiệp THCS, 29% học sinh tiếp tục học nghề. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề sau tốt nghiệp THCS tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 50%. Cụ thể, năm 2021, năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh từ hơn 3.200 đến 3.400 học sinh vào học ở các trường nghề; số còn lại khoảng 40% không tham gia học nghề mà đi làm công nhân. Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con em học THPT, chưa quan tâm, coi trọng học nghề; mặt khác, hạn chế về cơ sở vật chất, giáo viên tại các trung tâm dạy nghề chưa được đầu tư đúng mức cũng là rào cản khiến chỉ tiêu phân luồng học sinh chưa đạt kỳ vọng…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng thông tin thêm, hiện nay trên địa bàn có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 717 nhân sự. Trong đó, 137 người tham gia công tác quản lý, 577 người làm công tác giảng dạy.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn trả lời chất vấn tại kỳ họp

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn trả lời chất vấn tại kỳ họp

Thời gian tới, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, mở rộng ngành nghề đào tạo, nhất là những ngành nghề xã hội, doanh nghiệp đang cần.

Trong phiên chất vấn, tình trạng người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám bệnh lại phải mua thuốc bên ngoài cũng là vấn đề được đại biểu hết sức quan tâm, đề nghị lãnh đạo Sở Y tế làm rõ.

Đại biểu Lý Mộng Trinh, chất vấn về thực trạng người tham gia bảo hiểm y tế nhưng phải ra bên ngoài mua thuốc khi khám, chữa bệnh

Đại biểu Lý Mộng Trinh, chất vấn về thực trạng người tham gia bảo hiểm y tế nhưng phải ra bên ngoài mua thuốc khi khám, chữa bệnh

Trả lời nội dung nêu trên, Giám đốc Sở Y tế Hồ Văn Dũng thừa nhận, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước và tỉnh Kiên Giang. Điều này ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Nguyên nhân do đánh giá và dự báo tình hình của nhiều đơn vị còn hạn chế, thiếu chủ động. Đơn vị mua sắm tập trung chưa kịp thời tổ chức mua sắm đối với các thuốc và vật tư y tế không lựa chọn được nhà thầu của đợt đấu thầu trước đó.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang còn cho rằng, quá trình tổ chức đấu thầu, mua sắm chưa khoa học. Nguồn nhân lực phục vụ công tác này còn hạn chế, đồng thời có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra. Do vậy, có tình trạng không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm ở một số đơn vị.

Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hồ Văn Dũng trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hồ Văn Dũng trả lời chất vấn

Nhận trách nhiệm của tập thể Ban Giám đốc Sở Y tế, trong đó có cá nhân được phân công trực tiếp phụ trách, Giám đốc Sở Y tế Hồ Văn Dũng cho biết: hiện nay, Sở đã hoàn tất công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế tập trung của tỉnh trong giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, đã lựa chọn được nhà thầu cung cấp đối với 2.589 thuốc (bao gồm thuốc hóa dược và thuốc từ dược liệu) và 1.332 vật tư yế (bao gồm vật tư y tế kỹ thuật cao và thông thường).

Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện mua thuốc, vật tư theo các kết quả lựa chọn thầu tập trung cấp quốc gia. Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, giải thích rõ với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế về việc sử dụng thuốc, vật tư y tế phải tuân theo quy định về phân tuyến kỹ thuật. Theo dõi sát tình hình sử dụng thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế để chủ động điều tiết giữa các cơ sở y tế. Kiện toàn các bộ phận tham gia công tác đấu thầu, mua sắm. Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến đấu thầu, mua sắm. Đặc biệt, là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cung ứng thuốc khi có kết quả trúng thầu để phục vụ tốt nhất công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Tăng trưởng GRDP cao nhất trong 5 năm qua

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu quan tâm tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho biết: tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ghi nhận kết quả cao nhất từ năm 2019 đến nay, ước đạt 6,84%, tăng 0,44 điểm % so với cùng kỳ năm 2023, vượt 0,14 điểm % (kế hoạch 6,7%). Kết quả này cao hơn bình quân cả nước (6,42%), xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cao nhất trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô lớn trong khu vực. Cơ cấu kinh tế của tỉnh, tiếp tục chuyển dịch cơ bản đúng hướng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành giải trình tại kỳ họp

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành giải trình tại kỳ họp

Thời gian qua, UBND tỉnh tập trung triển khai đầu tư công, cập nhật giá trị giải ngân đến ngày 17.7 đạt hơn 1.940,3 tỷ đồng (tăng 46,6 tỷ đồng so với cùng kỳ), bằng 34,4% kế hoạch Thủ tướng giao; giá trị khối lượng hoàn thành (đã lập hồ sơ thủ tục thanh toán) tính đến ngày 17.7 hơn là 2.271,7 tỷ đồng (đạt 40,3%).

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua 17 nghị quyết

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua 17 nghị quyết

Đặc biệt, kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã hoàn thành 10 nhiệm vụ, 10 nhiệm vụ đang thực hiện, 1 nhiệm vụ dừng thực hiện, 6 nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai. Tỉnh cũng thực hiện nghiêm, đầy đủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg; trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện với 10 nhiệm vụ thường xuyên, 22 nhiệm vụ cụ thể và giao cho 20 sở, ngành, địa phương...

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm sẽ cònnhiều khó khăn, thách thức;áp lực tăng trưởng năm 2024 và cả nhiệm kỳ là rất lớn, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: các sở, ngành cần tập trung bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên định, bản lĩnh, không dao động trước khó khăn, thách thức; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, linh hoạt của ngành, địa phương. Đặc biệt, là công tác tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 24

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 24

Phát biểu bế mạc tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Huỳnh, đánh giá cao sự nỗ lực của Thường trực UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện 24 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Trong đó, có 9/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7/24 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch; một số chỉ tiêu tăng so cùng kỳ.

HĐND tỉnh đánh giá cao và hoan nghênh sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Nhân dân; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cần nghiêm túc và có biện pháp, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được HĐND phân tích. Trong đó, nổi lên là trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý hành vi lấn chiếm, phá rừng; khắc phục tình trạng chậm thi hành án dân sự, hành chính... Đồng thời, khắc phục việc né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…

Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Huỳnh cũng yêu cầu, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành thực hiện tốt các lời hứa trước đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh kịp thời báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp; chủ động hơn nữa trong hoạt động giám sát, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Cùng với đó, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng và giám sát đôn đốc việc giải quyết nhằm đem lại quyền lợi, lợi ích chính đáng cho Nhân dân.

Nguyễn Hành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/kien-giang-tang-truong-grdp-cao-nhat-trong-5-nam-qua-i380981/