Kiên Giang: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển sản xuất
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, ngày 23/5 UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lần I/2023, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị, cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Lưu Trung và Lê Quốc Anh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã ghi nhận 20 kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập trung vào các vấn đề: Sớm hoàn thiện thủ tục thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc; Ban hành giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất cho các dự án, xác định giá đất phù hợp với thời điểm ban hành quyết định cho thuê đất...
Đại diện Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh vật tư CNT Group đề xuất cơ quan chức năng giải quyết triệt để theo chủ trương quy hoạch chợ đêm kinh doanh tập trung ở thành phố Hà Tiên. Quản lý nghiệp đoàn xe lôi, tư vấn chính xác cho khách tham quan trên địa bàn thành phố Hà Tiên theo hướng tích cực nhằm phát triển du lịch vững mạnh. Đồng thời kiến nghị UBND thành phố Hà Tiên sớm có phương án xem xét để doanh nghiệp có bến bãi riêng (bán hoặc cho thuê dài hạn) nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế lâu dài cho địa phương. Cấp quyền sử dụng đất và hoàn công công trình khách sạn để doanh nghiệp được hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp chung của ngành du lịch Hà Tiên…
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang cho rằng, để giảm bớt áp lực chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình chung còn rất khó khăn, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có chính sách giá cho thuê đất phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Thời gian tới, kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường thế giới, khai thác tối đa thế mạnh của Việt Nam về thủy sản.
Ông Trần Trung Kết, đại diện Hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, đề xuất với lãnh đạo tỉnh làm việc với Tổng Cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để có cơ chế giá vé máy bay hợp lý, không những đáp ứng quyền lợi của các hãng hàng không mà còn thúc đẩy hoạt động du lịch cho địa phương cũng như quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong những ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, tết. Ông Trần Trung Kết còn kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp xử lý bãi rác Đồng Cây Sao và cần đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho Phú Quốc để kiểm soát chất lượng nước thải và bảo vệ môi trường; bố trí khu vực tập kết rác tại địa điểm xa các trung tâm du lịch, không ảnh hưởng đến dân cư, du khách…
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các sở, ngành tỉnh đã tiếp thu, đồng thời giải đáp thắc mắc, định hướng thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng, doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là khu vực có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh, sự phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến người dân và doanh nghiệp để có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh còn giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiên cứu áp dụng các cơ chế có lợi cho doanh nghiệp và tạo môi trường thông thoáng, điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 68.436 tỷ đồng, đạt 116,64% kế hoạch và đạt mức tăng trưởng 7,7%. Đây cũng là năm tỉnh đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và nằm trong top 30 tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của nước.