Kiên Giang xây dựng hiệu quả 2 mô hình 'Dịch vụ gia đình', 'Gia đình 5 có, 3 sạch'

Chiều 14-9, Ban Gia đình xã hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo đánh giá 1 năm thực hiện mô hình điểm xây dựng 'Gia đình 5 có, 3 sạch', mô hình 'Dịch vụ gia đình' vun đắp giá trị gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trưởng Ban Gia đình xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt NamTrương Thị Thu Thủy (thứ tư, từ trái qua) và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang Trần Thu Hồng (thứ tư, từ phải qua) tặng hoa ban chủ nhiệm hai mô hình “Dịch vụ nấu ăn” và “5 có, 3 sạch”, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn Kiên Giang là 1 trong 5 tỉnh làm điểm của Trung ương về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” và mô hình “Dịch vụ gia đình”. Hai mô hình được triển khai thực hiện tại xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Mô hình “5 có, 3 sạch” xã Thạnh Hưng hiện có 57 thành viên, tăng 22 thành viên so với lúc mới thành lập. Sau gần một năm triển khai, bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã và đang nhân rộng mô hình đến các các địa phương trong huyện; đã nhân rộng được thêm 2 xã với 4 mô hình được thành lập, trong đó 3 mô hình "5 có, 3 sạch", với 48 thành viên và 1 mô hình "3 sạch" có 16 thành viên đang hoạt động.

Hiện mô hình “Dịch vụ nấu ăn” xã Thạnh Hưng có 29 thành viên. Gần 1 năm hoạt động, các thành viên trong mô hình đã phục vụ 372 mâm cỗ cho các tổ chức và gia đình trên địa bàn. Doanh thu ước gần 446 triệu đồng; thu nhập trung bình của thành viên khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng. Mô hình tạo vệc làm không thường xuyên cho 11 hội viên phụ nữ; tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho 7 phụ nữ chăn nuôi gà và 12 phụ nữ bán hàng thủy sản tươi sống, 8 phụ nữ bán hàng tạp hóa. Ngoài ra mô hình còn thu gom các phế liệu tái chế gây quỹ với tổng số tiền trên 2,5 triệu đồng.

Trưởng Ban Gia đình xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Thị Thu Thủy phát biểu tại hội thảo.

Các mô hình được thành lập nhằm tạo điều kiện để hội viên giao lưu, tạo việc làm cho phụ nữ trong lúc mùa vụ nhàn rỗi, nhất là các chị em không có đất sản xuất, mô hình kết nối hội viên, phụ nữ các chị em lại với nhau cùng nhau hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho các chị giao lưu trao đổi kiến thức góp phần nâng cao sức khỏe, tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, hoạt động của mô hình gắn với cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang Trần Thu Hồng khẳng định, qua gần một năm triển khai thực hiện cho thấy các mô hình có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực, định hướng rõ những việc cụ thể để phụ nữ phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc và bảo vệ môi trường sống của toàn xã hội.

Đồng thời tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ có việc làm, giúp phụ nữ tăng thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình; phát huy kỹ năng để phục vụ những món ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng.

Tin và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/doan-the/kien-giang-xay-dung-hieu-qua-2-mo-hinh-dich-vu-gia-dinh-gia-dinh-5-co-3-sach-16656.html