Kiến nghị bổ sung quy định về thành lập Thanh tra Bảo hiểm xã hội
Sáng 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về thanh tra huyện như trong dự thảo Luật; đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại cục thuộc tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị thanh tra sở được thành lập trong trường hợp tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.
Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán; quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của đoàn thanh tra.
Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo Luật bổ sung quy định “đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”.
Thảo luận về dự thảo Luật, đa số đại biểu tán thành với các quy định của dự thảo Luật được trình ra kỳ họp lần này.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Các đại biểu: Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định), Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi), Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) đề nghị quy định trong luật về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội, bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về quy định công khai kết luận thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị nên xem xét về quy định thời gian công khai đối với việc công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hay công khai theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra.
Về thu hồi tài sản sau thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm ngay trong quá trình thanh tra chứ không phải chờ sau khi kết luận thanh tra mới ban hành các quyết định để xử lý.
Tán thành với quy định trong dự thảo Luật phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề nghị cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. “Bởi với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau”, đại biểu nói.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập.
Về các nội dung khác, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục phối với cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua với chất lượng tốt nhất.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên họp đã có 23 ý kiến thảo luận, 1 ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp thứ tư.
Để khắc phục các hạn chế, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị sửa đổi quy định thành “Người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra”.
Về quy định thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra, đại biểu cho rằng còn để sót lọt hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản”, vì theo quy định của Bộ luật Hình sự, ngoài hành vi chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản, còn có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định thành: “Người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi tài sản khi đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật… tài sản”.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng đề nghị bổ sung thanh tra cục thuộc Tổng cục Thuế và thanh tra chi cục thuộc cục thuế; đồng thời bổ sung Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam.