Kiến nghị bỏ trần 30% lãi vay được tính vào chi phí của doanh nghiệp trong nước

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị sửa Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng điều này không hợp tình, hợp lý; đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, kịp thời.

HoREA vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 về “quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết”.

Nghị định số 132 Chính phủ ban hành đầu tháng 11/2020 đã quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Đối với quy định về chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế, theo Nghị định số 132 kế thừa Nghị định số 68 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017, trong đó nâng mức khống chế từ 20% lên 30% lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi, tiền vay; cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo và mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế.

Ngày 15/7/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132, báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi trong quý IV/2023.

Đến ngày 18/10, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có văn bản xin ý kiến các vụ, cục về vấn đề này.

Kiến nghị bỏ trần 30% lãi vay được tính vào chi phí của doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: Hoàng Hà)

Kiến nghị bỏ trần 30% lãi vay được tính vào chi phí của doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: Hoàng Hà)

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, HoREA nhận định, khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 đã tháo gỡ một phần các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về việc xác định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị sửa Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng điều này không hợp tình, hợp lý và đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.

Cụ thể, HoREA chỉ ra 4 lý do khiến việc khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay trở nên bất cập.

Thứ nhất, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là chi phí hợp pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020, hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010, hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thứ hai, chi phí lãi vay là chi phí hợp pháp thì cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính (trong kỳ) của doanh nghiệp.

Thứ ba, cũng có một thiểu số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết có thể có hoạt động chuyển giá, kê khống giá làm tăng chi phí "ảo" để trốn lậu thuế và nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng hoạt động chuyển giá cần được quan tâm kiểm soát. Mặc dù hiện nay đang chuẩn bị thực hiện áp thuế tối thiểu toàn cầu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khó phải được tiếp tục xem xét giải quyết.

Thứ tư, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ thì có thể làm thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo lỡ kinh doanh bị hòa vốn hoặc bị thua lỗ.

Kể cả trường hợp có lãi nhưng doanh nghiệp chẳng may rơi vào trường hợp "tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo" không "thấp hơn mức quy định" thì coi như toàn bộ "phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo" bị mất trắng.

Do đó, HoREA nhận thấy không nên và không cần thiết khống chế trần 30%. Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kien-nghi-bo-tran-30-lai-vay-duoc-tinh-vao-chi-phi-cua-doanh-nghiep-trong-nuoc-2213461.html