Kiến nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể khi chuyển Covid sang nhóm B

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các địa phương để bảo đảm thực hiện đồng bộ và thống nhất khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.

Tăng cường khả năng dự báo

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương sáng 29/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết:

Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã kịp thời nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thể chế, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm là cơ quan đại diện của nhân dân, đã làm việc cả ngày, cả đêm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành để kịp thời ban hành Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch Covid-19.

Tiếp theo Nghị quyết 30, Quốc hội đã ban hành 7 Nghị quyết khác, trong đó đáng chú ý có Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 80 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 11 Nghị quyết, trong đó 6 Nghị quyết có nội dung khác, chưa được quy định trong pháp luật hiện hành như: Bộ Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Dược… trong đó, có Nghị quyết 285 về việc thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.

Quốc hội đã đánh giá toàn diện, sâu sắc về kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Theo đó, đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch thì nguyên nhân chính được nêu là nguyên nhân khách quan, bởi vì dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa dự báo được các tình huống, trong báo cáo của Quốc hội cũng nêu 6 bài học kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng nêu rõ một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất là sớm triển khai Luật Phòng thủ dân sự, Luật Khám bệnh chữa bệnh trước hết là ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn hiệu lực trong đó có Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

“Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu rà soát các Nghị quyết phòng chống dịch do Chính phủ ban hành không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để sửa đổi, hoặc bãi bỏ và chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19”, bà Thúy Anh nói.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng và thiết kế hệ thống y tế bảo đảm tính sẵn sàng và khả năng chống chịu trước dịch bệnh, thảm họa y tế công cộng; tăng cường khả năng dự báo, quản lý tốt sức khỏe cộng đồng;

Nắm chắc dữ liệu về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị của các cơ sở y tế, kể cả y tế tư nhân là cần thiết thông qua thiết lập hệ thống thống kê và theo dõi liên tục và đầu tư mạnh mẽ cho việc nghiên cứu khoa học, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, tiến tới bảo đảm, làm chủ công nghiệp dược, đáp ứng yêu cầu trong nước, nhất là khi quy mô dân số lên trên 100 triện dân và già hóa nhanh chóng.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội và chú ý đến việc sử dụng các nguồn lực từ các quỹ tài chính bao gồm cả các quỹ hình thành từ đóng góp của cộng đồng trong ứng phó với thảm họa, sự cố và bảo đảm sự ổn định đời sống, việc làm của người dân và người lao động.

“Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các địa phương khi điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B để đảm bảo thực hiện đồng bộ và thống nhất”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.

Không để xảy ra thất thoát, lãng phí

Liên quan đến công tác vận động và huy động xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, về kết quả vận động, tổng số tiền mặt và hiện vật trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng. Đây là con số huy động ở MTTQ cấp Trung ương, còn ở địa phương con số huy động được khoảng trên 15.000 tỷ đồng.

Về quản lý sử dụng, số tiền tiếp nhận của Trung ương sau khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn được chuyển về Quỹ vắc-xin do Bộ Tài chính quản lý (khoảng 79% trong tổng số đó), còn lại chuyển cho các địa phương để hỗ trợ các lực lượng y tế tuyến đầu. Việc tổ chức kêu gọi, vận động, tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch lần đầu xuất hiện trên phạm vi rất rộng và diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ, yêu cầu chống dịch thì phải nhanh chóng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin về công tác vận động và huy động xã hội trong chống dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin về công tác vận động và huy động xã hội trong chống dịch Covid-19.

Do đó, quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là các căn cứ pháp lý. Tại thời điểm đó, chưa có các nội dung quy định để vận động phòng, chống dịch mà Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ đề cập đến việc vận động để phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố hiểm nghèo, các quy định cụ thể như phải mở tài khoản tại kho bạc trong khi kho bạc chỉ đến cấp huyện không bảo đảm được sự huy động kịp thời ở cấp xã cũng như ở đồng bào ở nước ngoài.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến quy trình như phải họp ban chỉ đạo, trong bối cảnh đó không phải tất cả đều làm được như vậy…, hàng hóa, vật tư, trang thiết bị đa chủng loại, sau đó rất khó xác định quy ra tiền trong thời điểm nhất định.

Vì vậy, theo bà Hà, sau khi đại dịch lắng xuống, cơ quan kiểm tra Đảng và kiểm toán của Nhà nước đã làm việc và một số nơi đã xảy ra sai sót.

Từ thực tế đó, bà Hà nêu 2 kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ: Về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với một số địa phương,đây là khoản các địa phương vận động được và thực hiện tại chỗ theo quy định về "4 tại chỗ". Tại thời điểm đó, mặc dù thời điểm cấp bách nhưng các địa phương đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên theo kiến nghị của kiểm toán thu hồi để nộp quỹ vắc-xin nhưng khoản này đã chi.

"Vì vậy, đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương thì không phải thu hồi để nộp về quỹ vắc-xin", bà Hà nêu đề xuất.

Đối với nguồn kinh phí phòng, chống dịch còn dư, ở Trung ương còn dư 118 tỷ đồng, còn ở địa phương còn dư 814 tỷ, đề nghị Thủ tướng theo hướng rà soát, nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về Trung ương theo quy định của Nghị định số 93 của Chính phủ, có nghĩa là sử dụng tiếp cho các đợt sau và cho các việc liên quan đến thiên tai, sự cố, dịch bệnh và ở các địa phương thì trực tiếp sử dụng.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kien-nghi-bo-y-te-co-huong-dan-cu-the-khi-chuyen-covid-sang-nhom-b-a633348.html