Kiến nghị các giải pháp tổng thể để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch

Chiều 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2022-2024).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 9-11.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Cho rằng nền kinh tế nước ta còn nhiều tiềm năng hợp tác, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với 16 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin, đến nay, cả nước mới giải ngân khoảng 65% tổng nguồn vốn, còn trên 160.000 tỷ đồng cần giải ngân để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. “Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công cả nước là 560.100 tỷ đồng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn. Vì thế, cần tập trung vào khu vực trọng điểm, có tính động lực lan tỏa”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) tranh luận với đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) về việc tăng trần nợ công lên 51% GDP. Đây cũng là lượt tranh luận đầu tiên trong suốt gần 2 ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, tăng trần nợ công lên 51% GDP là mức tăng sẽ khiến dư nợ công năm 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia...

Để phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) kiến nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, nhiều hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất ra hầu như không xuất khẩu được do Việt Nam chưa cho phép khách hàng, chuyên gia quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện giao dịch, cũng chưa tìm kiếm được đầu ra phong phú. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để chuyên gia, khách hàng quốc tế nhập cảnh để kết nối giao dịch, mua hàng.

Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

Xây dựng chiến lược truyền thông về chống dịch

Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) nêu thực tế thời gian qua nhiều địa phương chưa làm tốt công tác thông tin, truyền thông; việc đưa ra văn bản hướng dẫn ở nhiều nơi còn làm cho người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng. Đại biểu phân tích, một phần nguyên nhân là do chưa có sự thống nhất giữa một số bộ, ngành liên quan về chính sách, biện pháp chống dịch, quy mô vùng dịch và các biện pháp hành chính. Để khắc phục vấn đề này, cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thông tin xấu độc.

Còn đại biểu Đặng Xuân Phương (Đoàn Đắk Lắk) bày tỏ quan tâm đến chiến lược thông tin truyền thông về dịch bệnh. Đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá xác đáng về lĩnh vực này, vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội...

Trong khi đó, đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên) cho biết, đại dịch Covid-19 đã cho thấy đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm... “Nếu trong đợt dịch vừa qua, công nhân có những căn nhà, ký túc xá an toàn thì chúng ta vẫn có thể vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất. Để chính sách này thu hút được doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang có hàng nghìn công nhân thì rất cần có cơ chế sửa đổi ngay những điều khoản bất cập trong Luật Nhà ở, qua đó giúp đẩy nhanh việc thực hiện chính sách an sinh xã hội này”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) thông tin, một trong những dấu ấn của ngành Công an năm 2021 là hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đạt mốc cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp. Theo đại biểu, đây là dữ liệu gốc rất chính xác về công dân Việt Nam với gần 100 triệu thông tin được số hóa, cập nhật thường xuyên bởi trên 50.000 cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã trên toàn quốc. “Trong phòng, chống dịch, các ngành đã thống nhất dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, dữ liệu về người mắc Covid-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ kiểm soát…”, đại biểu thông tin.

Hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Phát biểu giải trình cuối buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dành nhiều thời gian để trả lời ý kiến một số đại biểu xung quanh vấn đề điện năng. Bộ trưởng cho biết, một số dự án điện gió xin kéo dài thời gian áp dụng giá FIT. Tuy nhiên, đây là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển trong một thời gian nhất định. Bộ trưởng nhấn mạnh việc kéo dài thời gian áp dụng là không hợp lý, không đúng bản chất của chính sách, gây bất bình đẳng các dự án cùng cơ chế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình.

Về các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lý giải vì sao thời gian qua giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng cao khi phải nhập khẩu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch Covid-19.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung việc nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) để mặt hàng phân bón thuộc danh mục chịu thuế VAT có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước”, Bộ trưởng cho biết.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch cũng như bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, sau gần 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nền kinh tế đã có những điểm sáng, cũng như xu hướng phục hồi. Bộ trưởng cũng lý giải nguyên nhân vì sao việc giải ngân đầu tư công trong năm 2021 còn chậm, cũng như kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước cho các địa phương trong năm 2022.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dù chịu tác động bởi Covid-19 nhưng việc thu - chi ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm. Trong đó, Chính phủ đã thực hiện một loạt chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19.

Giải trình ý kiến của đại biểu về dư địa nợ công còn lớn cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết, nợ công cuối năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020, điều này có nghĩa nợ công đến năm 2025 là 45,6% theo cách tính GDP cũ, còn theo GDP mới là 57,9%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thông tin về gói kích cầu sắp tới để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch cũng như các giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bộ trưởng cũng giải trình các ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề nợ xấu của các doanh nghiệp, ngân hàng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong hai ngày thảo luận tại hội trường đã có 120 đại biểu thuộc 57 đoàn đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận và 5 bộ trưởng tham gia giải trình về một số vấn đề liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận.

“Các đại biểu đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân để góp phần kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Đa số ý kiến đại biểu thống nhất với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Trong đó, nhiều đại biểu đã nêu các kiến nghị, giải pháp mang tính tổng thể để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Các đại biểu cũng thống nhất lùi thời điểm cải cách tiền lương để dành nguồn lực kiểm soát dịch và khôi phục kinh tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu một cách đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh để các đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1016861/kien-nghi-cac-giai-phap-tong-the-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-sau-dai-dich