Kiến nghị cần cơ chế đặc thù đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Cộng đồng doanh nghiệp khoa học và công nghệ kiến nghị Bộ KH&CN xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu KH&CN là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước.
712 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận
Tại hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học công nghệ” do Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) tổ chức sáng 28/9 tại Thái Bình, ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) cho biết, Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp DN KH&CN như ưu đãi thuế thu nhập DN, miễn, giảm tiền thuê đất.
Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN).
Một số DNKH& CN được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vay vốn với lãi suất thấp hơn DN thông thường…
Tính đến hết năm 2022, có trên 20 địa phương đã xây dựng, ban hành và triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình hỗ trợ nhằm mục đích phát triển DNKH&CN tại địa phương. Đây là cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ DN KH&CN từ nguồn ngân sách của địa phương.
Tính đến tháng 31/12/2022, cả nước đã cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN cho 712 doanh nghiệp, tăng 76 DN so với cùng thời điểm năm 2021.
Trong tổng số 712 DN KH&CN được cấp giấy chứng nhận, khoảng 7% DN được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Hơn 90% DN còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH&CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính DN.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ DN KH&CN, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, các DN KH&CN đối diện với 4 khó khăn, vướng mắc lớn.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed.
Trong đó, vướng mắc lớn nhất là thương mại hóa sản phẩm. Vấn đề công nhận giống cây trồng mới chậm trễ do sự thay đổi của Luật Trồng trọt. Việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với DN nông nghiệp chưa cao.
Thứ hai, ngân sách cho hoạt động KH&CN còn rất ít và thủ tục thì nhiều và khó giải ngân.
“Ngân sách giành cho KH&CN giảm dần qua các năm từ 1,1% năm 2017 xuống còn 0,82% năm 2023”, ông Báo cho hay.
Việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách Nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp. Chính sách thuế còn chưa ưu tiên so với cá DN khác.
Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động KH&CN còn thiếu và yếu. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho nhân lực thuộc các DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Bốn là việc chứng nhận các sản phẩm KH&CN thuộc DN KH&CN còn nhiều phức tạp do đòi hỏi nhiều thủ tục.
Mong muốn được hưởng ưu đãi theo Nghị định 13
Đề cập đến Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, AHLĐ Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch VST cho rằng, sự ra đời của nghị định này là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động DN KHCN với những ưu đãi về thuế thu nhập DN, đất đai, tín dụng…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VST, trong quá trình thực thi nghị định này mang lại kết quả cho các DN còn rất hạn chế, rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, được thể hiện qua ý kiến khảo sát của các DN thành viên VST.
Kết quả khảo sát của VST đối với 167 DN thành viên cho thấy, một số DN KHCN chưa được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Cụ thể, mới chỉ có 6 DN được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng.
Trong khi đó, 18 DN chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào. 1 DN có doanh thu sản phẩm KHCN không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi. 1 DN nộp hồ sơ nhưng chưa được duyệt. 141 DN chưa được hưởng ưu đãi.
Theo phản ánh các DN VST, thành quả thương mại hóa sản phẩm KHCN ra thị trường chưa tương xứng với đầu tư và kết quả nghiên cứu. Chưa có có cơ chế thiết thực để bảo hộ thị trường, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới. Cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ban hành chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời…
Kiến nghị có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp KH&CN
Trước thực trạng này, Chủ tịch VST kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo.
Các tổ chức trực thuộc Bộ KH&CN tăng cường phối hợp với các sở KHCN địa phương tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13, bảo đảm DN KHCN đều được hưởng lợi từ nghị định này.
Bộ KH&CN xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu KHCN là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước.
Người đứng đầu VST cũng kiến nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện cho hiệp hội VST được hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực KHCN của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho DN KHCN Việt Nam.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Xuân Đích chia sẻ, hiện Bộ KH&CN đang lập đề xuất xây dựng luật sửa đổi Luật KH&CN, dự kiến trình trong năm nay.
Bộ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KH&CN làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển DNKH&CN.
Đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về quản lý, giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả KH&CN có nguồn gốc từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước.
Việc sửa đổi theo hướng công nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu của tổ chức chủ trì đối với các nhiệm vụ KH&CN được ngân sách Nhà nước hỗ trợ; đơn giản hóa các thủ tục giao quyền - kiểm soát - cơ chế báo cáo, phân chia lợi nhuận đối với các nhiệm vụ KH&CN triển khai dưới hình thức ngân sách Nhà nước cấp.
Về tăng cường triển khai chương trình hỗ trợ DN KH&CN, Bộ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển DN KH&CN một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ. Hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các DN để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển DN KHCN.
Tạo điều kiện cho các DN KHCN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi dành cho DNKHCN để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận và hỗ trợ DNKHCN thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.