Kiến nghị cần phân quyền và tự chủ mạnh mẽ hơn cho Khánh Hòa

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kiến nghị cần phân quyền và tự chủ mạnh mẽ hơn cho Khánh Hòa: Trao quyền quản lý tài chính – đầu tư – nhân sự tương ứng với đô thị loại đặc biệt. Tăng tính chủ động trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là khai thác thế mạnh biển đảo. Trung ương sớm ban hành cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp…

Tại hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương và các bước đột phá trong kỷ nguyên mới" sáng 25/7, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ: Bối cảnh chuyển đổi số, chính quyền hai cấp và yêu cầu về phát triển bền vững đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động quản trị Nhà nước. Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, do đó việc nâng cao năng lực quản trị Nhà nước theo hướng hiện đại trở thành yêu cầu cấp thiết.

Để đạt được mục tiêu này, Khánh Hòa cần xây dựng được một nền quản trị Nhà nước hiện đại - minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, năng động và gắn với yêu cầu phát triển bền vững.

 PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Giai đoạn từ 2022 - 2024, tỉnh Khánh Hòa có những bước chuyển biến rõ rệt trong năng lực quản trị công và cải cách hành chính với các sáng kiến nổi bật: “30 ngày không giấy”, trả hồ sơ đúng hạn, ứng dụng số hóa… Từ đó cho thấy, Khánh Hòa đã đạt được 5 thành tựu: Tăng trưởng ổn định và đều đặn; Minh bạch và trách nhiệm giải trình cải thiện rõ nét; Chuyển đổi số cơ bản, đang được nâng cấp; Nỗ lực cải thiện thứ hạng PCI; Nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ.

Hiện, Khánh Hòa có những lợi thế khi là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, trung tâm kết nối Bắc – Nam và đặc biệt là địa bàn duy nhất quản lý quần đảo Trường Sa – yếu tố quan trọng về quốc phòng và phát triển kinh tế biển đảo; Có sân bay quốc tế Cam Ranh, cảng biển nước sâu Vân Phong, hệ thống giao thông kết nối mạnh với các khu vực kinh tế trọng điểm và vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó, Khánh Hòa sở hữu tài nguyên biển, du lịch, công nghiệp và dân số trẻ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng; Sau sáp nhập được kết nối hệ sinh thái năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao của Ninh Thuận.

Bên cạnh thuận lợi, Khánh Hòa mới cũng đối mặt với nhiều thách thức, như: Năng lực quản trị đô thị chưa bám sát với tốc độ đô thị hóa nhanh; Chuyển đổi số trong quản trị chưa cao, hạ tầng số chưa đồng đều giữa các khu vực; Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức còn chưa đồng đều và chưa theo kịp yêu cầu quản trị hiện đại; Phát triển chưa đồng bộ giữa các khu vực.

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh đưa ra các dẫn chứng cách quản trị Nhà nước hiện đại của các nước trên thế giới như Estonia, Singapore… từ đó nhận định rằng việc quản trị rất quan trọng, là xu thế cũng là nền tảng cốt lõi để Khánh Hòa có thể nâng cao năng lực điều hành, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.

Những yêu cầu đặt ra đối với năng lực quản trị Nhà nước hiện đại như: Đổi mới tư duy quản trị: Từ “quản lý hành chính” sang “dẫn dắt phát triển”, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của mọi quyết sách. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị công.

Quản trị liên vùng và liên ngành hiệu quả: Kết nối chiến lược phát triển của Khánh Hòa với Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.

Để khắc phục những khó khăn trên, Khánh Hòa cần hoàn thiện thể chế, đặt nền tảng pháp lý cho việc tổ chức lại bộ máy tự quản linh hoạt, gọn nhẹ, tinh gọn. Xây dựng chính quyền số - nền tảng của quản trị hiện đại. Chính quyền số là trụ cột của quản trị nhà nước hiện đại. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Nguồn nhân lực chính là "xương sống" của quản trị hiện đại…

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh kiến nghị cần phân quyền và tự chủ mạnh mẽ hơn cho Khánh Hòa: Trao quyền quản lý tài chính – đầu tư – nhân sự tương ứng với đô thị loại đặc biệt. Tăng tính chủ động trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là khai thác thế mạnh biển đảo. Trung ương sớm ban hành cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp…

Huỳnh Thủy - Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kien-nghi-can-phan-quyen-va-tu-chu-manh-me-hon-cho-khanh-hoa-post1763499.tpo