Kiến nghị Chính phủ xem xét giảm hoặc loại bỏ các loại thuế và phí nhiên liệu

Nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam xem xét giảm hoặc loại bỏ các loại thuế và phí nhiên liệu.

Kiến nghị Chính phủ xem xét giảm hoặc loại bỏ các loại thuế và phí nhiên liệu

Trong giai đoạn 3 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đã đối mặt với rất nhiều khó khăn tại Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát vào năm ngoái, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã phải đứng ngồi không yên khi chứng kiến giá cước vận chuyển, nhiên liệu và chi phí vận chuyển, cũng như chi phí sản xuất nói chung tiếp tục tăng.

 Ông David Whitehead, thành viên Ban lãnh đạo Auscham. (Ảnh: VGP)

Ông David Whitehead, thành viên Ban lãnh đạo Auscham. (Ảnh: VGP)

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2023, ông David Whitehead, thành viên Ban lãnh đạo Auscham, đại diện Hiệp hội Thành viên liên kết cho biết: Về chi phí hoạt động như chi phí sản xuất do áp lực lạm phát và chi phí nguyên vật liệu tăng cao hơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất nói riêng.

Tuy nhiên, trong vài tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 đã có dấu hiệu phục hồi, cụ thể là sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mang đến cơ hội cho các ngành dịch vụ đặc biệt.

Ông David Whitehead cho rằng: Trong năm 2023, chúng ta cần giải quyết triệt để một số vấn đề quan trọng liên quan đến kinh doanh. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp mong có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp đầu ngành và doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực quan trọng như hàng không, vận tải, xây dựng và phân phối.

“Theo tôi, sẽ rất hữu ích nếu Chính phủ xem xét giảm hoặc loại bỏ các loại thuế và phí nhiên liệu; đẩy nhanh thủ tục thông quan, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua nâng cao năng lực tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu chính”, ông David Whitehead nói.

Dịch COVID-19 đã cho thấy một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào chuỗi giá trị ở các quốc gia khác sẽ dễ bị tổn thương một khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

“Sự gián đoạn đáng kể đối với chuỗi cung ứng, bao gồm sự chậm trễ tại cảng và tăng giá cước vận tải và các dịch vụ Hải quan đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông David Whitehead nói.

Ông David Whitehead cho rằng, Việt Nam cũng cần tăng cường đầu tư cho các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng, phát triển các tuyến đường nối các trung tâm dân cư lớn và ưu tiên các dự án khí hậu, môi trường và an ninh lương thực, chẳng hạn như chống xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, để phát triển kinh tế xã hội, việc hồi sinh du lịch và kinh doanh khách sạn là cần thiết để thu hút khách du lịch, giúp ngành du lịch phát triển. Hiện có 25 quốc gia miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam, thường là 15 ngày.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ xem xét khả năng cấp miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Australia phù hợp với 25 quốc gia đã được miễn thị thực”, ông David Whitehead nói thêm.

Giải pháp để không chảy máu chất xám

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Do đó, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về việc làm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm để giải quyết vấn đề này.

 Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). (Ảnh: VGP)

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). (Ảnh: VGP)

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá: Trong thị trường toàn cầu ngày nay, Việt Nam cũng cần thu hút và giữ chân người tài và phải tránh chảy máu chất xám. Để làm được điều đó, các thủ tục giấy phép lao động hiện tại cần được đơn giản hóa.

“Cần lưu ý rằng đầu tư nước ngoài chất lượng cao là điều cần thiết cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam”, ông Gabor Fluit nói.

Tuy nhiên, Việt Nam không thể thu hút những nhà đầu tư này nếu chúng ta không thể tuyển dụng và giữ chân những người giỏi. Sẽ không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục.

Để khai thác hoàn toàn tiềm năng của lực lượng lao động đa dạng và tài năng của chúng ta, cần đơn giản hóa các rào cản về thủ tục hành chính và mở đường dẫn đến thành công. Điều này có thể đạt được thông qua sửa đổi Bộ luật Lao động và Nghị định 152. Điều này cho phép Việt Nam sử dụng tối đa lực lượng lao động đa dạng, tài năng, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kien-nghi-chinh-phu-xem-xet-giam-hoac-loai-bo-cac-loai-thue-va-phi-nhien-lieu-post239857.html