Kiến nghị chỉnh sửa quy định ứng phó sự cố tràn dầu

Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị chỉnh sửa quy định về thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy mô lưu trữ.

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 942/BDN ngày 6/11/2024 với các nội dung: Chỉnh sửa quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (cấp huyện, cấp tỉnh) theo quy mô lưu trữ đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu để thuận tiện trong việc thẩm định hồ sơ kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho biết, tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9 Điều 7 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu đã quy định rất rõ trách nhiệm xây dựng kế hoạch và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho từng đối tượng, cụ thể:

BSR tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố tràn dầu có cháy lan trên tàu nhập sản phẩm ở cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất. - Ảnh minh họa

BSR tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố tràn dầu có cháy lan trên tàu nhập sản phẩm ở cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất. - Ảnh minh họa

UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương được cập nhật định kỳ hàng năm và phê duyệt lại 5 năm một lần.

Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt. Khi có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thì phải cập nhật định kỳ hàng năm; khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch phải lập lại kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thẩm định, trình Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt và thông báo đến UBND các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án.

Đối với các tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ từ 50.000m3 trở lên, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn hơn hoặc bằng 50.000 DWT, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt.

Đối với các cảng tại địa phương, các tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dụng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình UBND huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc UBND huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới UBND cấp huyện để phối hợp thực hiện.

Các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên, có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển có kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Cũng tại phần kiến nghị của mình, cử tri tỉnh Ninh Thuận đề xuất nội dung: “Bổ sung quy định cụ thể về các đối tượng không phải lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho biết, Điều 2 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu đã quy định “Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam”.

Do đó các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam đều phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (không bổ sung quy định cụ thể về các đối tượng không phải lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu).

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kien-nghi-chinh-sua-quy-dinh-ung-pho-su-co-tran-dau-368559.html