Kiến nghị có định chế riêng về HĐT và tháo gỡ các điểm nghẽn trong ĐH địa phương
Câu lạc bộ Các trường ĐH địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương theo hướng tái cấu trúc mô hình đại học địa phương.
Ngày 02/6/2023, Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng triển khai Hội thảo khoa học “Trường đại học địa phương sau 25 năm xây dựng và trưởng thành: Thực trạng và kiến nghị”.
Sau hội thảo, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã xin ý kiến của các chuyên gia giáo dục, tổng hợp các ý kiến của hội thảo. Vừa qua, Câu lạc bộ có văn bản gửi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Theo đó, văn bản của Câu lạc bộ khẳng định, các cơ sở giáo dục đại học ở địa phương đang chứng minh tính đúng đắn của phân tầng đại học.
Đây là mô hình trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều cấp học chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, chịu sự chỉ đạo về mặt chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành trung ương; Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương nói chung và hệ thống giáo dục đại học địa phương nói riêng, xem giáo dục địa phương là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo việc rà soát đánh giá đổi mới từ chương trình, rà soát đánh giá các điều kiện đồng bộ nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, trước đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội và môi trường luật pháp, ngành giáo dục đào tạo nói chung và các trường đại học địa phương nói riêng đang gặp không ít khó khăn, thách thức cần được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Một là, trường đại học địa phương trực thuộc ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cung ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng ở tất cả các bậc học, ngành thuộc các lĩnh vực. Địa phương có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho các trường địa phương của mình thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập. Tuy nhiên trong quá trình vận hành xuất hiện những vấn đề chưa phù hợp, cụ thể :
Thứ nhất, Luật Giáo dục đại học quy định hội đồng trường “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Trong khi đó phù hợp với Luật quản lý sử dụng tài sản công, trường trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo tỉnh là “quyền đại diện của chủ sở hữu” là chủ sở hữu nhà trường.
Thứ hai, hoạt động thực tiễn chỉ ra rằng:
Một số trường đại học địa phương chưa được quan tâm đầu tư đầy đủ, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học nghiên cứu khoa học xuống cấp chưa đáp ứng đúng chuẩn.
Một số địa phương chưa có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư còn rất khiêm tốn (khoảng 15% trong khi cả nước ở con số trên 30%).
Do ngân sách địa phương thường rất hạn hẹp, nên một số địa phương đã giảm quy mô hoạt động của trường khi giao chỉ tiêu đào tạo. Có địa phương, với vai trò “chủ quản” thay vì tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường (như khuyến khích nhà trường tự chủ từng phần, đa dạng hóa loại hình đào tạo, liên kết với các trường cao đẳng, đại học khác để tạo thêm sức mạnh cho mình...) thì tìm cách chuyển trường thành vệ tinh (hoặc đơn vị thành viên) cho các trường đại học vùng, đại học quốc gia, đánh mất sứ mệnh của nhà trường.
Do đó, Câu lạc bộ đề nghị trong dịp sửa nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục đại học 2018 (Nghị định 99), Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ có định chế riêng về cơ cấu hội đồng trường của trường đại học địa phương theo hướng tăng cường vai trò của lãnh đạo tỉnh. Có thể bố trí lãnh đạo chủ chốt tỉnh hoặc đại diện thường vụ tỉnh ủy làm chủ tịch hội đồng trường. Bên cạnh đó bố trí thêm lãnh đạo những sở chủ lực liên quan đến đầu tư, tài chính và giáo dục vào hội đồng trường.
Hai là, theo thiết kế ban đầu, đại học địa phương đào tạo từ trình độ đại học trở xuống. Cách làm này thực chất là phân tầng các cơ sở giáo dục đại học. Thực tế chỉ ra, các trường đại học địa phương đã đáp ứng một cách linh hoạt các nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động địa phương (nhất là đào tạo giáo viên cấp 1, cấp 2). Hiện nay trường đại học địa phương chỉ đào tạo trình độ đại học trở lên, giống hệt đại học quốc gia, đại học vùng và các đại học khác. Điều này dẫn tới, thế mạnh của trường đại học địa phương bị triệt tiêu.
Sẽ là phù hợp khi cho phép các trường đại học địa phương ngoài chức năng như hiện nay, còn được đào tạo các trình độ từ cao đẳng trở xuống. Việc này không chỉ đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp mà còn tạo cơ hội giải quyết bế tắc trong liên thông từ trình độ giữa cao đẳng với đại học. Như vậy, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp gắn với nhau như nó vốn có, công tác nghiên cứu khoa học lan tỏa mạnh sang giáo dục nghề nghiệp.
Câu lạc bộ đề nghị trước hết là trả cao đẳng trở về với bậc học đại học. Riêng với trường đại học địa phương nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, mầm non là không thể thiếu; bên cạnh đó còn được đào tạo các trình độ thấp hơn cao đẳng. Như vậy mới có thể giải quyết tốt vấn đề liên thông, phân luồng và phân tầng trong hệ thống mở, tránh mâu thuẫn về thể chế quản lý giữa các Bộ.
Ba là, về đầu tư cho trường đại học địa phương, một số địa phương không đủ điều kiện tài chính để thực hiện các quyết sách của chính phủ. Việc đầu tư của nhà nước cho các nhà trường đại học địa phương đang có xu thế giảm nhanh. Khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ thu từ học phí có xu thế tăng nhanh (từ 23% năm học 2015-2016 lên 32% năm học 2019-2020). Với sức ép tự bảo đảm chi thường xuyên theo tinh thần Nghị định 60 thì tăng học phí là nguồn cứu cánh nhà trường. Tăng học phí dẫn tới cơ hội học tập của con em địa phương giảm. Trong khi đó, nhà nước chưa có quy định về hỗ trợ học phí cho con em là người địa phương. Do đó, Câu lạc bộ cho rằng một chính sách học phí hợp lý sẽ là dựa trên cơ sở định mức chi phí đơn vị. Dựa vào đó, nhà trường thiết kế mức học phí theo nguyên tắc giáo dục đại học địa phương mang tính phúc lợi xã hội. Mức học phí phải thấp hơn chi phí đào tạo (chứ không tính đủ chi phí đào tạo vào học phí), phần thiếu được ngân sách nhà nước cấp bù.
Hiện nay các trường đại học địa phương đang gặp khó khăn khi thực hiện Nghị định 116 qui định về hỗ trợ sinh viên sư phạm đóng học phí và cấp sinh hoạt phí. Mặc dù nhu cầu nhân lực có nhưng địa phương không đủ khả năng tài chính chi trả nên không đặt hàng hay giao nhiệm vụ cho trường đại học địa phương thực hiện. Điều này dự báo khó khăn cho công tác tuyển sinh khối ngành sư phạm trong các năm học tới, nhiều cơ sở đào tạo địa phương sẽ bị dừng tuyển sinh ngành sư phạm, chức năng đào tạo giáo viên địa phương sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, Câu lạc bộ đề nghị Nhà nước nghiên cứu cơ chế đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương, trong đó chú trọng chính sách học phí mang tính phúc lợi, chính sách tín dụng sinh viên, bố trí ngân sách đủ để thực hiện các cơ chế chính sách đối với giáo dục và đầu tư đặc biệt cho các chương trình phát triển hạ tầng nhà trường đại học địa phương.
Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo điều kiện cho các trường đại học địa phương được tham gia các dự án giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì (hợp tác quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới; kiểm định chất lượng giáo dục; khởi nghiệp, chuyển đổi số; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập,…).
Các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đại học vùng, đại học quốc gia có năng lực cao. Nhiều địa phương mong muốn được hưởng lợi từ nguồn lực quốc gia nên đặt vấn đề để các trường có nguồn lực quốc gia nhận đại học địa phương làm vệ tinh.
Nội dung này, Câu lạc bộ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để các trường đại học trọng điểm, đại học vùng, đại học quốc gia chi viện cho các trường đại học địa phương trong công tác xây dựng đội ngũ, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực các trường đại học địa phương.
Năm là, sứ mệnh trường đại học địa phương là phục vụ cộng đồng ở địa phương theo phân tầng giáo dục đại học. Đến nay mô hình này đã được ¼ thế kỉ, cần được rà soát đánh giá và có những bài học trong quản lý điều hành vĩ mô nhằm phát huy tốt nhất vai trò của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế văn hóa xã hội tại các địa phương.
Câu lạc bộ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết mô hình đại học địa phương theo hướng tái cấu trúc mô hình đại học địa phương đảm bảo phân tầng giáo dục đại học được tốt và bền vững, trong đó coi trọng hệ thống giáo dục đại học địa phương như sứ mệnh của nó khi thành lập nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới toàn diện giáo dục đại học.
Từ những đề nghị nêu trên, Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương mong Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghiên cứu, xem xét và có ý kiến với các cấp có thẩm quyền nhằm củng cố phát triển hệ thống trường đại học địa phương.