Kiến nghị cơ quan chức năng thẩm định hướng trị liệu tự kỷ mới của Tâm Việt

Nếu phương pháp Tâm Việt là hiệu quả, an toàn, hoặc có những điều còn chưa hoàn thiện, cần phải nghiên cứu thêm, nên có công bố cho phụ huynh và những người quan tâm khác, tránh hoang mang, tranh cãi, làm tổn thương lẫn nhau, không giúp ích gì cho các cháu tự kỷ...

Liên quan đến những lùm xùm trong phương pháp trị liệu, can thiệp tự kỷ tại Trung tâm Tâm Việt mà báo chí phản ánh, ngày 3-11, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), một tổ chức của các tổ chức, cá nhân quan tâm và có các hoạt động liên quan đến người tự kỷ tại Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học và các nhà chuyên môn về tự kỷ thẩm định “phát minh mới, hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ” của ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tâm Việt.

Văn bản của VAN nêu rõ: “Ông Phan Quốc Việt, người mở trung tâm Tâm Việt “Huấn luyện người tự kỷ thành kỷ lục gia” thường quảng bá là có phát minh mới, mở ra hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ. Rất nhiều phụ huynh có con tự kỷ bị thu hút bởi những quảng bá này.

Tuy vậy, trên thực tế ông Phan Quốc Việt chưa bảo vệ thành công một công trình khoa học và được công nhận phát minh này, hay phương pháp này ở bất cứ đâu.

Phụ huynh cùng con tham dự các hoạt động trong khuôn khổ “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” tại Việt Nam (ảnh minh họa).

Phụ huynh cùng con tham dự các hoạt động trong khuôn khổ “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” tại Việt Nam (ảnh minh họa).

Ông Việt có học vị tiến sĩ, đương nhiên biết các qui trình khoa học này, nhưng chưa thực hiện, đã tổ chức trung tâm huấn luyện và thu phí, tiến hành quảng bá trên mạng, trả lời báo chí, hứa hẹn với phụ huynh việc sẽ huấn luyện thành công, như vậy có đúng pháp luật hay không? Có hay không việc trẻ tự kỷ trở thành vật thí nghiệm của phương pháp chưa kiểm định khoa học?”.

Bản kiến nghị của VAN cũng cho rằng, sự tranh luận sẽ không đi đến đâu nếu không có các “trọng tài”. Thực tế cho thấy, tại Mỹ, Úc, Anh, Singapore, và một số nước tiên tiến khác đều có thống kê 27 phương pháp có căn cứ khoa học, và minh bạch thông tin này, để các gia đình và người chăm sóc trẻ tránh được những biện pháp thiếu căn cứ khoa học, dẫn đến tổn hại chi phí, sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ tự kỷ.

Do vậy, VAN mong muốn ở Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội, các nhà chuyên môn được đào tạo các lĩnh vực thần kinh học, vận động trị liệu, tâm lý, giao tiếp, hành vi, giáo dục đặc biệt, các hội về Người khuyết tật, về Trẻ em… cùng xem xét vấn đề nêu trên.

Nếu phương pháp Tâm Việt là hiệu quả, an toàn, hoặc có những điều còn chưa hoàn thiện, cần phải nghiên cứu thêm, nên có công bố cho phụ huynh và những người quan tâm khác, tránh hoang mang, tranh cãi, làm tổn thương lẫn nhau, không giúp ích gì cho các cháu tự kỷ.

Trong khi vấn đề chưa được làm sáng tỏ, VAN khuyến cáo phụ huynh toàn mạng lưới chỉ sử dụng những can thiệp có kiểm chứng như các nước tiên tiến khuyên dùng. Hệ thống tư vấn hỗ trợ phụ huynh của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam được đặt trên website http://A365.vn, đây là website được tập thể các nhà khoa học xây dựng với các tư vấn của chuyên gia được đào tạo bài bản về tự kỷ trong ngoài nước.

H.Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/kien-nghi-co-quan-chuc-nang-tham-dinh-huong-tri-lieu-tu-ky-moi-cua-tam-viet-568339/