Năm học mới, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng hơn 24.000 học sinh

Dự kiến trong năm học mới sắp đến, số lượng học sinh ở bậc trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao nhất.

Sáng ngày 15/7, kỳ họp lần thứ 17 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X chính thức khai mạc tại Hội trường thành phố.

Trong ngày đầu tiên, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện năm học 2023 – 2024, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024 – 2025.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong năm 2023, thành phố có 1.414 cơ sở giáo dục công lập thuộc ngành được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2023 – 2025, phân cấp tuyển dụng cho 29 đơn vị, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong công tác tuyển dụng, chủ động trong tuyển chọn nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển, với điều kiện thực tế của đơn vị.

Có 424 cơ sở giáo dục của thành phố đạt chuẩn quốc gia (mức độ 1 có 361 cơ sở, mức độ 2 có 63 cơ sở, đạt tỷ lệ 18,71%).

Tiếp tục duy trì mô hình lớp học số, xây dựng mô hình dạy học tiếng Anh từ xa tại Công viên phần mềm Quang Trung, Trường tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3) phát sóng đến các trường tiểu học ở huyện Cần Giờ và Củ Chi.

 Kỳ họp thứ 17 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X khai mạc sáng ngày 15/7 (ảnh: Thành Nhân)

Kỳ họp thứ 17 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X khai mạc sáng ngày 15/7 (ảnh: Thành Nhân)

Trong năm 2023, thành phố đưa vào sử dụng 48 dự án, với 672 phòng học mới. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” được UNESCO đánh giá cao, và được tham dự báo cáo kinh nghiệm về thực tiễn xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, trong khuôn khổ Hội thảo chuyên môn cấp cao toàn cầu do UNESCO ở Paris (Pháp) tổ chức.

Thành phố đã hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành, xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đạt tỷ lệ 99,36% học sinh và 96,42% nhân sự ngành giáo dục, là nền tảng cơ bản cho các giải pháp chuyển đổi số khác, như: Áp dụng bản đồ số GIS để thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn thành phố, các chỉ tiêu thu thập mang tính đặc thù của ngành giáo dục thành phố cũng đã được tích hợp trên hệ thống.

 Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: CTV)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: CTV)

Trong năm học 2024 – 2025: Dự kiến số học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng 24.097 học sinh, bao gồm 17.288 học sinh hệ công lập và 6.809 học sinh hệ ngoài công lập.

Trong đó, tăng cao nhất dự kiến là học sinh ở bậc trung học phổ thông, với 16.999 học sinh, sau đó là bậc trung học cơ sở với 7.022 học sinh, bậc mầm non tăng 6.262 học sinh, riêng bậc tiểu học có thể giảm 6.185 học sinh.

Tổng số học sinh các bậc học, từ mầm non đến trung học phổ thông của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học mới dự kiến sẽ là 1.707.220 học sinh.

Trong năm học vừa qua, số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại thành phố chiếm khoảng hơn 20% tổng số học sinh của thành phố, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, số lượng học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.

Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến việc gia tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố.

Nhìn chung, trong năm học mới sắp đến, thành phố vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Cũng dự kiến trong năm học mới sắp đến, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới, trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học với 246 phòng học mới, bậc trung học cơ sở 126 phòng học mới.

Thành phố Hồ Chí Minh đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024 – 2025, bao gồm: Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục; thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tiếp tục triển khai Kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc”; tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án về giáo dục của thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong ngành; triển khai kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học; tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông giáo dục.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-hoc-moi-thanh-pho-ho-chi-minh-du-kien-tang-hon-24000-hoc-sinh-post244084.gd