Kiến nghị dành một phần nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để trả nợ
Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền bố trí 30 nghìn tỷ đồng năm 2022 và 40 nghìn tỷ đồng năm 2023 để chi trả nợ gốc cùng các khoản vay ngân quỹ nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị bố trí một phần trả nợ từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu tại nghị quyết; đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP và đã có những kết quả bước đầu tích cực.
Huy động trong nước 8 tháng đầu năm đạt 230.511 tỷ đồng
Về từng nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ cho biết, trong năm 2023, Chính phủ tập trung hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 9 luật; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 325 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 79 nghị định, HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành khoảng hơn 2.740 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến THTK, CLP, tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới. Hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Để đẩy nhanh lộ trình cải cách các chính sách thuế, Chính phủ đã hoàn thành nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế hiện hành. Trong đó, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật các năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp… Đồng thời, Chính phủ đề xuất chưa sửa đổi Luật Quản lý thuế.
Trong công tác điều hành ngân sách, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), như: ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán thu NSNN; dự kiến các chính sách thuế, chính sách mặt hàng cho năm dự toán; phối hợp với UBND cấp tỉnh để nắm bắt thông tin về các chính sách đặc thù, các ưu đãi đặc biệt... trong năm ngân sách và dự kiến năm dự toán và các năm tiếp theo có thể ảnh hưởng tới thu NSNN.
Đối với các nhiệm vụ về quản lý nợ công, trái phiếu, căn cứ dự toán NSNN hàng năm được Quốc hội phê chuẩn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương, tổ chức huy động vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) với khối lượng phù hợp.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng huy động vốn vay trong nước thông qua phát hành TPCP đạt 230.511 tỷ đồng (đạt 58% kế hoạch). Kỳ hạn phát hành TPCP chủ yếu là 10 - 15 năm, giúp kỳ hạn phát hành bình quân đạt 12,33 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9 – 11 năm; kỳ hạn còn lại bình quân (ATM) danh mục là 9,19 năm; lãi suất phát hành bình quân 3,44%/năm. NSNN cũng thực hiện vay ngân quỹ nhà nước 14.846 tỷ đồng; rút vốn vay nước ngoài cấp phát khoảng 19.005 tỷ đồng (tương đương 805,5 triệu USD), đạt gần 20,8% kế hoạch.
Nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng cuối năm 2021 còn hơn 263.000 tỷ đồng
Theo quy định của Luật NSNN và trong điều kiện còn bội chi NSNN hiện nay, ở khâu dự toán đã và tiếp tục ưu tiên bố trí chi đầy đủ, đúng hạn toàn bộ các nghĩa vụ trả lãi của NSNN; trả nợ gốc được thực hiện thông qua vay mới hoặc từ nguồn tăng thu, phù hợp với khả năng cân đối NSNN và sự phát triển của thị trường tài chính trong nước.
Cơ cấu lại NSNN trong lĩnh vực nợ công đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu nợ công năm 2022 đều trong phạm vi được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho phép.
Ước đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 39 – 40% GDP, nợ chính phủ khoảng 36 – 37% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37 – 38% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại) bằng khoảng khoảng 20 – 21% tổng thu NSNN.
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) khoảng 7 – 8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Đối với chi trả nợ gốc và các khoản vay ngân quỹ nhà nước, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền bố trí 30 nghìn tỷ đồng năm 2022 và 40 nghìn tỷ đồng năm 2023; đồng thời, kiến nghị bố trí một phần trả nợ từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022.
Liên quan đến báo cáo nguồn cải cách tiền lương, tại Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành địa phương thời điểm 31/12/2021.
Cụ thể, số dư cải cách tiền lương ngân sách trung ương là 54.517 tỷ đồng, trong đó số dư của các bộ, ngành là 81,7 tỷ đồng. Số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 208.457 tỷ đồng.
Về nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng tại ngày 31/12/2022, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản đôn đốc các địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Đến nay, có 61/63 địa phương gửi báo cáo.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, căn cứ chế độ, chính sách quy định về sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền về số dư nguồn cải cách tiền lương của các địa phương đảm bảo thời hạn quy định.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng khung NSNN 2024, kế hoạch 3 năm 2024 - 2026, trong đó có đề xuất về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trên cơ sở đó, việc sử dụng nguồn này dự kiến để thực hiện cải cách tiền lương./.