Kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối

Góp ý Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là mang tính phân biệt đối xử, hạn chế quyền tự do, chủ động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hạn chế quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Nghị định này thay thế Nghị định 83 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83.

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày 14/5 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo thể hiện sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho biết, Điều 14 của Dự thảo Nghị định quy định, thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau. Trong khi đó, thương nhân đầu mối lại có quyền “được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác”.

Theo ông Thập, quy định này có tính phân biệt đối xử giữa các DN, vi phạm Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Luật Cạnh tranh và Điều 6, Điều 10, Điều 11 của Luật Thương mại.

"Các doanh nghiệp đầu mối, cả nhập khẩu và sản xuất, là đơn vị tạo nguồn tồn dự trữ quốc gia để cung ứng cho bán thương mại, bán tiêu dùng trong hệ thống của mình. DN đầu mối không bán cho đại lý, nhượng quyền thương mại vì đã thông qua thương nhân phân phối. Nếu đầu mối vẫn bán cho đối tượng này thì sẽ dẫm chân lên nhau, đặc biệt lúc khan hiếm hàng hóa, đầu mối chỉ tập trung cho hệ thống của mình mà ít chia sẻ nguồn cung cho thương nhân phân phối và đối tượng khác.

Điều 14 của Dự thảo Nghị định quy định, thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Các DN đầu mối không được mua hàng qua lại với nhau, nếu các đầu mối được mua bán với nhau sẽ gây ra tình trạng sản lượng ảo", ông Thập phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, thương nhân phân phối ký hợp đồng bao tiêu cho DN đầu mối, DN nhập khẩu và sản xuất xăng dầu để phân phối ra thị trường chính là kênh phân phối có đủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý xăng dầu và thị trường khách hàng… Do đó, đáp ứng kịp thời nguồn cung cho thị trường rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn đi lại, giao thông vận tải được mua hàng của các đầu mối và được mua hàng của thương nhân phân phối với nhau.

Từ phân tích này, ông Thập kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu theo Nghị định 95: “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Nhà nước cần có chính sách ữu đãi về tín dụng cho DN đầu mối và thương nhân phân phối để dự trữ hàng hóa theo quy định đáp ứng thị trưởng, chống đứt gãy nguồn cung.

Về vấn đề này, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai đánh giá, Dự thảo Nghị định vẫn giữ cách tiếp cận và phương pháp cũ. Theo đó, không xác định đúng tính chất hàng hóa của xăng dầu không phải là hàng cấm, hàng hạn chế kinh doanh, hàng nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh mà chỉ là hàng hóa đặc thù thuộc diện “kinh doanh có điều kiện” theo thị trường.

Thị trường sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã trở nên tự do và mở cửa cho DN mọi thành phần, trong đó có cả đầu tư nước ngoài.

Do xác định cả tính chất mặt hàng lẫn thị trường không đúng và phù hợp nên Dự thảo Nghị định tiếp tục phân chia thị trường, phân loại các doanh nghiệp bao gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, đi kèm theo đó là các địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử, quản lý từ phía Nhà nước khác nhau.

"Đáng lưu ý là thương nhân đầu mối, thuộc thiểu số trong số lượng hàng ngàn DN, được xếp hạng cao nhất có vị trí riêng với nhiều đặc quyền, tiếp đến là thương nhân phân phối và cuối cùng là thương nhân bán lẻ.

Quan điểm và cách tiếp cận về chính sách và quản lý như trên rõ ràng là sự áp đặt duy ý chí và mang tính phân biệt đối xử, hạn chế các quyền tự do, chủ động kinh doanh của DN. Điều đó hoàn toàn trái với tình thần cơ bản của Luật DN", ông Phụng nêu.

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng, Điều 14 của Dự thảo nghị định quy định, các thương nhân phân phối không được quyền mua bán chéo lẫn nhau.

Trước đây, Nghị định 83 cho phép điều này, từ đó tạo ra độ mở rất lớn, tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho các thương nhân phân phối.

Dự thảo Nghị định mới có nhiều điều khoản bó buộc, hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối xăng dầu, vi phạm Điều 8 của Luật Cạnh tranh, thể hiện sự phân biệt đối xử với DN.

Tổng giám đốc APP đặt câu hỏi: “Tại sao thương nhân phân phối là DN kinh doanh xăng dầu, có quyền tự do cạnh tranh nhưng dự thảo lại cho phép chúng tôi chỉ được mua từ thương nhân đầu mối mà không được mua chéo của nhau. Các thương nhân đầu mối được mua từ 2 nhà máy lọc dầu, nhập khẩu thì không có lý do gì bắt 300 thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau".

Do vậy, vị này đề nghị cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu một cách công khai minh bạch như sàn cà phê… giúp thương nhân phân phối căn cứ vào giá chốt hàng.

Cân bằng lợi ích giữa các bên

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đây là nghị định đặc biệt quan trọng đối với ngành hàng, được các DN xăng dầu hết sức quan tâm. Nghị định không chỉ tác động đến DN kinh doanh xăng dầu mà còn tác động tới các DN ngành khác và nền kinh tế nói chung.

Việc soạn thảo nghị định kinh doanh xăng dầu là công việc phức tạp, nhiều áp lực bởi có quá nhiều mục tiêu và thách thức. Một mặt phải kịp thời, mặt khác phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Quan điểm của VCCI, nội dung nghị định cần bảo đảm tiêu chí công khai, minh bạch, thị trường hóa. DN được kinh doanh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử. Sự can thiệp hành chính chỉ là giải pháp tình thế, việc duy trì được động lực thị trường mới là bền vững nhất trong quản lý ngành hàng.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp thẳng thắn của DN và chuyên gia, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng, nguyên tắc xây dựng Nghị định là bảo đảm hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, DN sử dụng xăng dầu và DN kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, nội dung Dự thảo Nghị định kinh doanh sẽ tiếp tục được hoàn thiện, giải trình cụ thể và xin ý kiến DN.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/kien-nghi-giu-nguyen-quy-dinh-thuong-nhan-phan-phoi-duoc-mua-xang-dau-tu-nhieu-dau-moi/20240514031841098