Kiến nghị giữ thuế khoán, bỏ thuế kê khai
Việc áp dụng thuế kê khai đòi hỏi phải có hệ thống theo dõi sổ sách kế toán bài bản, chuyên nghiệp - điều rất khó thực hiện đối với các hộ kinh doanh cá thể.

Việc áp dụng thuế kê khai không dễ đối với hộ kinh doanh cá thể. Ảnh: Hoàng Anh.
Nguy cơ giá cả thị trường tăng cao
Theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, phương pháp kê khai là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý.
Số thuế phải nộp được xác định như sau: Số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp bằng doanh thu tính thuế GTGT nhân với tỷ lệ thuế GTGT. Số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNCN) phải nộp bằng doanh thu tính thuế TNCN nhân với tỷ lệ thuế TNCN.
Trong đó, doanh thu tính thuế là toàn bộ giá trị thanh toán mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền (theo khoản 1 Điều 10) và tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại phụ lục ban hành kèm theo.
Được biết, thuế thu nhập cá nhân, theo luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11 2007, là thuế trực thu, người có thu nhập trực tiếp nộp; có tính lũy tiến và được miễn giảm, ưu đãi: như giảm trừ gia cảnh, miễn thuế với một số khoản thu nhập nhất định.
Trong khi đó, thuế VAT là thuế gián thu, người tiêu dùng cuối cùng là người chịu thuế, nhưng không trực tiếp nộp cho Nhà nước mà tính trên phần giá trị tăng thêm ở từng công đoạn sản xuất, kinh doanh. Thuế được áp dụng phổ biến cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ trừ một số nhóm được miễn thuế và có cơ chế khấu trừ thuế đầu vào. Thuế VAT đầu vào được khấu trừ vào thuế VAT đầu ra phải nộp.
Đáng chú ý, mặc dù quy định thành phần số thuế phải nộp của hình thức thuế kê khai gồm có thuế VAT và thuế TNCN, tuy nhiên hộ kinh doanh lại không được khấu trừ đầu vào (đối với thuế VAT) và không được khấu trừ gia cảnh (đối với thuế TNCN).
Nhà nước coi hộ kinh doanh khi mua hàng hóa về kinh doanh là người sử dụng cuối cùng nên toàn bộ giá trị thuế được xác định là chi phí của hộ kinh doanh (trực thu).
Xét về bản chất, số thuế phải nộp tính trên doanh thu thực nhận (không được khấu trừ) chính là thuế doanh thu chính thức được ban hành lần đầu tiên vào năm 1951 theo Sắc lệnh số 254/SL của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được chấm dứt vào ngày 01/01/1999 bởi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) số 57/1997/QH9 để đảm bảo hội nhập với kinh tế thế giới cùng với chính sách đổi mới được chính thức thi hành từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI vào tháng 12/1986.
Thuế doanh thu đơn giản, dễ thực hiện nhưng hạn chế của hình thức này là thuế chồng thuế, nghĩa là cứ mỗi lần có giao dịch chuyển nhượng trong quá trình lưu thông thì Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền cố định tính trên giá trị giao dịch, không phân biệt giá vốn và giá trị thặng dư (lợi nhuận của người bán).
Hình thức tính thuế này làm cho giá cả thị trường tăng bất hợp lý do chi phí lưu thông tăng theo số lần giao dịch, giá cả hàng hóa bị định giá theo khả năng của quá trình phân phối nhiều hơn quá trình sản xuất mà không thể hiện được giá trị thực cấu thành nên hàng hóa.
Điều này dẫn đến sự kìm hãm lưu thông hàng hóa, giá cả dễ bị thao túng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất do khả năng bán hàng lệ thuộc vào hệ thống phân phối, không chủ đồng tiêu thụ đồng thời gay ra thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế vẫn tồn tại thuế khoán và thuế kê khai. Xét về bản chất, thuế khoán và thuế kê khai được tính trên doanh thu, trong đó thuế khoán nộp một lần trong năm dương lịch (năm 2026 sẽ bỏ thuế môn bài) theo mức ấn định ít tác động đến giá hàng hóa lưu thông còn thuế kê khai nộp theo kỳ trên số doanh thu thực tế xuất bán.
Trong cơ cấu tính thuế của thuế kê khai hiện hành đang bao gồm thuế VAT và thuế TNCN với mức thuế xuất theo mặt hàng kinh doanh. Song, các loại thuế này không được khấu trừ theo đúng tên gọi theo luật.
Cụ thể, “thành phần” thuế VAT không được khấu trừ thuế đầu ra với thuế VAT đầu vào còn thuế TNCN không được giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Theo phân tích như trên, cơ quan thuế coi hộ kinh doanh áp dụng một trong hai hình thức này đều là người tiêu dùng, các loại thuế khoán và thuế kê khai đều không được khấu trừ, về mặt giá thành đều thuộc chi phí hợp lý làm căn cứ xác định giá thành, giá bán của hàng hóa, dịch vụ (trong đó thuế khoán có thể được phân bổ theo tỷ trọng còn thuế kê khai được xác định trực tiếp).
Như vậy về bản chất, hai loại thuế này tương tự như thuế doanh thu trước đây, tức là cả hai hình thức này đều thuộc hình thức thuế chồng thuế khi luân chuyển trong khâu lưu thông đều là hình thức thu thuế lạc hậu như thời bao cấp.
Đề xuất bỏ hình thức thuế kê khai
Việc áp dụng thuế VAT là tiên tiến và đang được áp dụng tại các nước phát triển. Tuy nhiên để áp dụng được loại thuế này đòi hỏi người kinh doanh phải có hệ thống theo dõi sổ sách kế toán đáp ứng được đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để có thể kiểm tra, đối chiếu số thuế đầu ra, đầu vào thuế VAT và quyết toán lợi nhuận thực tế với cơ quan thuế để xác định được thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm.
Mặc dù, quy định về quản lý thuế khá rõ ràng nhưng việc quản lý kế toán như vậy đòi hỏi phải có người am hiểu về kế toán, có kiến thức về các quy định về quản lý thuế và sử dụng được phần mềm để giảm thiểu công sức và tăng độ chính xác, tức là phải có nhân viên kế toán chuyên trách mới có thể áp dụng hình thức thuế khấu trừ thuế VAT.
Yêu cầu này hoàn toàn không phù hợp với mô hình kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh do điều kiện kinh doanh không có địa điểm ổn định, hoặc kinh doanh khi nông nhàn, hoặc sử dụng lao động nhàn rỗi của người già, trẻ em sử dụng với vị trí, điều kiện của nhà ở kết hợp với kinh doanh có mức doanh thu thấp, lợi nhuận chỉ ngang thậm chí không bằng tiền công của một lao động phổ thông thì cần xem xét đến hình thức quản lý thuế phù hợp.
Mặc dù không phải quyết toán với cơ quan thuế, nhưng để áp dụng được thuế kê khai, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ; phải nộp tờ khai và nộp thuế theo tháng hoặc quý thì khối lượng công việc đôi khi còn vất vả hơn hình thức thuế khấu trừ (VAT).
Việc kê khai nộp tờ khai như vậy là không cần thiết vì theo quy định, tất cả các hàng hóa dịch vụ khi cung cấp ra thị trường đều phải có hóa đơn nên việc giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chỉ cần thực hiện thông qua tra cứu cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế.
Trong nhiều trường hợp, người mua không nhất thiết phải lưu giữ chứng từ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa và việc giám sát, kiểm tra mức độ chính xác của thông tin này cũng vẫn phải đối chiếu với cơ sở dữ liệu quả cơ quan thuế (đối với trường hợp nghi ngờ làm giả chứng từ).
Việc thống kê hàng hóa mua vào không để khấu trừ mà chỉ để quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để chống lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng có thể sử dụng công nghệ thông tin (phầm mềm hệ thống thuế) theo mã số kinh doanh hoặc theo căn cước công dân là rất dễ dàng, do đã bắt buộc phải nhập liệu vào hệ thống khi xuất bán sẽ giảm được rất nhiều công sức, tiền của của xã hội.
Việc xác định tỷ trọng cấu thành nên thuế xuất trong phương pháp thuế kê khai bao gồm thuế VAT và thuế TNCN nhưng đều không được khấu trừ, giảm trừ là không đúng nguyên tắc tính thuế, sai với bản chất của các loại thuế liên quan.
Các cá nhân, hộ kinh doanh đủ điều kiện theo dõi sổ sách sẽ đủ điều kiện áp dụng phường pháp thuế khấu trừ để hàng hóa lưu thông trên thị trường không bị đội giá, được phản ánh đúng với giá trị, khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ nhà sản xuất chân chính tiêu thụ sản phẩm.
Nên xem xét giữ lại thuế khoán
Để mọi đối tượng, thành phần xã hội khi tham gia kinh doanh đều hợp pháp và việc quản lý Nhà nước phù hợp với đặc điểm kinh tế, năng lực, điều kiện của cá nhân, hộ kinh doanh, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội điều chỉnh Luật quản lý Thuế theo hướng bỏ phương pháp thuế kê khai, giữ lại phương pháp thuế khoán.
Trong đó, các cơ quan quản lý cần phân loại, phân nhóm, phân mức độ doanh thu của từng loại hình kinh doanh và mức thuế xuất cho phù hợp với thực tế.
Hàng năm, chính quyền địa phương, cơ quan công an cần kết hợp với cơ quan thuế giám sát các hoạt động kinh doanh, rà soát các trường hợp kinh doanh trên địa bàn, phản ánh các trường hợp kinh doanh có đăng ký mức thuế khoán hoặc mức thuế ấn định không hợp lý để kịp thời điểu chỉnh cho phù hợp
Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa để tận dụng được hết nguồn lực xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các các nhân, hộ kinh doanh, nhưng không quá tận thu ngân sách, vừa đảm bảo công bằng trong xã hội, tránh tạo ra thị trường lạm phát, tăng giá vì chính sách thuế lạc hậu, hình thức không còn phù hợp.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/kien-nghi-giu-thue-khoan-bo-thue-ke-khai-d40996.html