Kiến nghị không thu thuế thu nhập cá nhân 10% với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động
Trước những khó khăn của đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngày 3/7, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã báo cáo về kết quả Công đoàn các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo nhận định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian tới, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lớn, đông công nhân lao động trong cả nước có khả năng bị mất, sụt giảm đơn hàng dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cho người lao động nghỉ việc. Điều này sẽ làm gia tăng tác động tiêu cực đến việc làm, đời sống và thu nhập của nhiều đoàn viên và người lao động.
Dự báo số lao động bị mất việc làm, ngừng việc tập thể sẽ gia tăng và tình hình quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp nhất là vào dịp cuối năm 2020.
Trước những khó khăn của đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn trân trọng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm cả người lao động phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các doanh nghiệp mà đến cả các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác và không gắn điều kiện của người lao động với điều kiện của doanh nghiệp để người lao động được hỗ trợ khó khăn kịp thời.
Đối với đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đề nghị bỏ điều kiện về thu nhập “không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo” và thời gian áp dụng đến hết tháng 12 năm 2020.
Đề nghị xem xét sửa đổi Quyết định 15/QĐ-TTg để mở rộng đối tượng hưởng, điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ và kéo dài thêm thời gian (đến hết tháng 12 năm 2020) bị mất việc, tạm hoãn Hợp đồng lao động, nghỉ luân phiên và nghỉ việc không hưởng lương để người lao động thực sự khó khăn có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. (Cụ thể như trường hợp của Công ty Pouchen ở TP Hồ Chí Minh).
Đề nghị miễn giảm học phí cho con công nhân lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ việc không hưởng lương đề giảm bớt khó khăn và để con em công nhân lao động được đến trường.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như người lao động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giáo dục… Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, đầu cơ tích trữ hàng hóa thiết yếu.
Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đến tháng 6 năm 2020, có 7,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 gồm mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; tập trung ở các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo…
Nhiều người lao động, nhất là công nhân và một bộ phận giáo viên ngoài công lập vốn có thu nhập không cao, nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đang gặp khó khăn cả về việc làm, thu nhập và duy trì đời sống gia đình.
Theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, những tháng tới, do không ít doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, nên số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể tăng thêm. Hiện nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, có doanh nghiệp dự kiến giảm 50% - 60%.