Kiến nghị lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị tránh để xảy ra hiện tượng địa phương hóa quá mức, kém linh hoạt trong phòng chống dịch, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 8,1% trong giai đoạn 2016 – 2020.

Số doanh nghiệp rời bỏ thị trường 7 tháng đầu năm tăng tới 25,5%, riêng TP.HCM chiếm tới 29,1%. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cũng đã không còn sức chống chịu và chấp nhận đóng cửa, ngừng hoạt động.

Đợt dịch lần thứ 4 cũng xâm nhập vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, phá hoại chuỗi cung ứng, đặc biệt là tại khu vực kinh tế năng động bậc nhất Việt Nam là các tỉnh thành phía Nam. Điều này khiến những tác động của dịch bệnh trở nên dai dẳng và khó lường hơn bao giờ hết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các nguồn dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi.

Những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp!

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư

Cụ thể, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm mạnh, trung bình giảm từ 40 – 50% trong các ngành, riêng ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn giảm 70 – 80%.

Điều này dẫn đến doanh thu bị giảm mạnh, thậm chí một số doanh nghiệp còn không phát sinh doanh thu. Doanh nghiệp không có dòng tiền nhưng vẫn phải duy trì một số chi phí cho người lao động, tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng… Mặt khác, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển cũng tăng cao do chuỗi cung ứng hàng hóa bị đình trệ và gián đoạn.

Để cầm cự trước tình trạng khó khăn chưa có dấu hiệu kết thúc, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, làm tổn thương tới nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn khó tiếp cận do điều kiện chặt chẽ, chưa bao quát so với thực tế, cùng với công tác thực hiện thiếu chủ động và thiếu linh hoạt.

Bộ trưởng dự báo, những khó khăn vẫn sẽ còn tiếp diễn ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, cần có những chính sách “sớm nhất, hiệu quả nhất” để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính những nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn.

Đối với tình hình ngắn hạn, cần triển khai cấp bách những giải pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo tính linh hoạt, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh để chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đây là những điều kiện giúp doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó cần tập trung vào tháo gỡ những mối đe dọa trước mắt đang xảy ra đối với doanh nghiệp thông qua cắt giảm chi phí, gia hạn khoản nợ, giảm lãi vay, khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ. Các khó khăn về lao động và chuyên gia cũng cần được tháo gỡ ngay.

Một số giải pháp cụ thể trong ngắn hạn có thể thực hiện như nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vắc xin; tổ chức thực hiện luồng xanh hàng hóa; ứng dụng triệt để khoa học công nghệ trong kiểm soát điều kiện di chuyển…

Bộ trưởng nhấn mạnh công tác phòng dịch cần tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Về dài hạn, cần xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế, phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, phát triển công nghiệp phụ trợ và ổn định nguồn cung ứng đầu vào. Đây là những điều kiện để đảm bảo nắm bắt được cơ hội phục hồi nền kinh tế.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải được nâng cao hiệu quả. Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Nhóm doanh nghiệp nhà nước cần được nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa để tạo ra năng lực cạnh tranh, giúp khu vực kinh tế nhà nước đảm nhiệm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đối với các doanh nghiệp, bộ trưởng nhận mạnh cần nêu cao tinh thần dân tộc, tính chủ động và nỗ lực vượt khó, đồng thời đoàn kết lẫn nhau, phát huy tinh thần tương thân tương ái. Những câu chuyện về ATM gạo 0 đồng, siêu thị 0 đồng chính là tấm gương đáng quý cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/kien-nghi-lap-to-cong-tac-dac-biet-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-1628420558007.htm