Tăng thuế thuốc lá để bảo vệ thế hệ tương lai

Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới, trong khi giá thuốc lá lại thuộc hàng thấp nhất. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kêu gọi tăng thuế thuốc lá như một biện pháp cần thiết nhằm giảm số người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, bao gồm cả những trường hợp tử vong do khói thuốc thụ động. Việc kiểm soát và giảm hút thuốc lá là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Lâm cũng cảnh báo, thuốc lá là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc ít nhất 11 loại ung thư cũng như hàng loạt bệnh mãn tính khác.

Mặc dù tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc tại Việt Nam đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 41,1% năm 2021, mức giảm này được WHO nhận định là chưa đủ. Đáng chú ý, từ năm 2022-2023, xu hướng tiêu thụ thuốc lá có dấu hiệu tăng trở lại, với sản lượng tăng từ 6,4 tỷ bao năm 2021 lên 7,5 tỷ bao năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Theo các chuyên gia,tăng thuế thuốc lá như một biện pháp cần thiết nhằm giảm số người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thạc sĩ Lê Thị Thu - chuyên gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam hiện áp dụng mức thuế thuốc lá chỉ chiếm khoảng 38,8% giá bán lẻ, thấp hơn đáng kể so với trung bình các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Việc tăng thuế thuốc lá sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc và đem lại lợi ích lớn về sức khỏe và kinh tế.”

Kinh nghiệm từ các nước như Thái Lan và Philippines cũng cho thấy, lộ trình tăng thuế thuốc lá không chỉ giúp giảm tiêu thụ mà còn tăng nguồn thu ngân sách. Tại Philippines, tỷ lệ hút thuốc đã giảm từ 27% năm 2009 xuống 19,5% năm 2021 nhờ các chính sách thuế chặt chẽ.

Về những lo ngại rằng tăng thuế thuốc lá có thể dẫn đến buôn lậu hoặc làm giảm việc làm trong ngành, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn khẳng định, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy thuế thuốc lá cao dẫn đến tình trạng buôn lậu gia tăng.

“Ngược lại, các quốc gia có giá thuốc thấp lại thường đối mặt với vấn đề này nhiều hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo TS Angela Pratt - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu về sức khỏe và kinh tế. Nếu Việt Nam áp dụng mức tăng thuế tối thiểu 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm xuống còn 35,8%, giúp Việt Nam đạt mục tiêu chiến lược quốc gia.

Duy Lộc

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/tang-thue-thuoc-la-de-bao-ve-the-he-tuong-lai/20241117120529759