Kiến nghị mở rộng thêm 2 đối tượng miễn phí
Từ ngày 22/4/2024, Hà Nội thực hiện thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID). Đến nay, Sở Tư pháp TP đã tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ cấp Phiếu LLTP theo phương thức này, người dân phấn khởi khi được hưởng trọn những lợi ích ứng dụng VNeID mang lại…
Cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID:
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, để thực hiện tốt việc thí điểm, ngày 22/4, Sở Tư pháp đã ban hành Hướng dẫn đăng ký cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID; tổ chức tập huấn cho toàn bộ công chức Bộ phận một cửa, công chức Phòng LLTP và Đoàn thanh niên Sở về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.
Các ngày: 22/4 và 23/4/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã đến Sở Tư pháp khảo sát tình hình, chỉ đạo, động viên công chức giải quyết thủ tục hành chính và công chức hỗ trợ người dân thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.
Anh Nguyễn Hữu Hà, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phấn khởi cho biết: “Tôi vừa thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID mà không phải đến Sở Tư pháp chờ đợi xếp hàng như trước. Chỉ cần ở nhà đăng ký thực hiện qua điện thoại, còn theo dõi được cả quá trình giải quyết hồ sơ. Tôi thấy phương thức này vô cùng thuận lợi, nhanh chóng, không tốn kém thời gian và tiền bạc…”.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai thí điểm thì vẫn còn một số vướng mắc phát sinh, Sở Tư pháp đang cùng các cơ quan liên quan phối hợp khắc phục. Cụ thể, như hệ thống không thống kê được danh sách hồ sơ LLTP của công dân đã được tiếp nhận, một số hồ sơ không load được toàn bộ thông tin hồ sơ của công dân vào phần chi tiết hồ sơ, hồ sơ của công dân sau khi được tiếp nhận và gửi liên thông chưa tự động chuyển vào phòng chuyên môn...
Để việc cấp Phiếu LLTP được đơn giản, thuận tiện hơn cho công dân, Sở Tư pháp TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản có liên quan đến cấp Phiếu LLTP theo hướng quy định rõ về mục đích, yêu cầu sử dụng Phiếu LLTP, tránh việc để cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp yêu cầu người dân làm Phiếu LLTP trong trường hợp không cần thiết.
Đơn giản hóa, cắt giảm thành phần Phiếu LLTP trong các thủ tục hành chính trên cơ sở xem xét kết quả tổng hợp báo cáo, đề nghị của các bộ, ngành, địa phương và TP Hà Nội; đơn giản hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và đơn giản hóa thành phần hồ sơ đề nghị cấp Phiếu LLTP, bỏ hai thành phần hồ sơ: bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú; bản chụp Giấy chứng minh Nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu; đơn giản hóa nội dung Tờ khai đề nghị cấp Phiếu LLTP để phù hợp với Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân, quy định pháp luật về định danh điện tử.
Sở Tư pháp cũng kiến nghị xác định thủ tục cấp Phiếu LLTP trong trường hợp xóa án tích là một thủ tục hành chính riêng, khác với thủ tục đề nghị cấp Phiếu LLTP trong trường hợp không có án tích để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục và phù hợp quy định tại Luật LLTP và Điều 70, khoản 1 Điều 369 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, quy định việc thống nhất xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP trên phạm vi toàn quốc; việc kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của ngành Tòa án, Thi hành án, Viện Kiểm sát, Cơ sở dữ liệu sinh trắc (vân tay) với Cơ sở dữ liệu LLTP và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để tạo thuận lợi cho việc tra cứu, xác minh giải quyết thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP; quy định chặt chẽ, rõ ràng trường hợp cụ thể cấp Phiếu LLTP cho người dưới 14 tuổi để tránh tình trạng lạm dụng việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
Ngoài ra, cần sửa đổi quy định về phí theo hướng miễn toàn bộ phí cấp Phiếu LLTP đối với các trường hợp thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công và qua ứng dụng VNeID.
Sở Tư pháp Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP cho phép mở rộng thêm 2 đối tượng miễn phí được thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên VNeID là người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và trẻ em (dưới 16 tuổi) trong đó, trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải có tài khoản định danh điện tử mức độ 2.