Thông tin mới nhất về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận
UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cần xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư về con người, đất đai.
“Phá vỡ” kịch bản phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 13/11, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công Thương tham gia góp ý đối với báo cáo về phát triển điện hạt nhân.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng công suất 4.000 MW. UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá đây là dự án trọng điểm quốc gia, tác động lớn, có vai trò động lực quyết định đến phát triển kinh tế của tỉnh.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2020 được xây dựng xoay quanh trục phát triển của dự án điện hạt nhân và những tác động lan tỏa của dự án đến các lĩnh vực ngành nghề trong kịch bản phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Tuy nhiên, ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Điều này đã phá vỡ các kịch bản tăng trưởng, phát triển của tỉnh Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo và hiện có 57 dự án (tổng công suất 3.750 MW) tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ khi triển khai đến khi dừng thực hiện hai nhà máy điện hạt nhân 1 và 2, Ban Quản lý điện hạt nhân đã xây dựng hệ thống cấp điện phục vụ thi công nhà máy, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, trụ sở Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hiện tỉnh Ninh Thuận đang triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng theo đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án, phát triển dân cư đối với hai vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 323 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến hạt nhân tại Liên bang Nga, trong đó có 87 sinh viên người Ninh Thuận.
Tránh lãng phínguồn lực đầu tư, đất đai...
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đồng thuận với sự cần thiết nghiên cứu phát triển điện hạt nhân theo đề nghị của Bộ Công Thương để bổ sung một loại hình năng lượng mang tính ổn định chiến lược.
Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.
Là địa phương có lợi thế về năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện hạt nhân, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành "Trung tâm công nghiệp xanh, sạch" nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - chia sẻ: Khi Trung ương có chủ trương tái khởi động hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận cũng là cách cân đối nguồn điện phát triển chung của đất nước, tỉnh Ninh Thuận và người dân địa phương ủng hộ, đồng thuận chủ trương. Nhưng theo ông Nam, khi xác định thực hiện dự án thì các bộ ngành ở Trung ương cần định hình sớm, có lộ trình triển khai cụ thể, công việc bắt đầu từ khi nào, những vấn đề gì đặt ra để triển khai. Từ đó, địa phương sẽ tổ chức triển khai những công việc liên quan phù hợp, tránh kéo dài gây lãng phí.