Kiến nghị nhiều biện pháp 'giải vây' khủng hoảng đăng kiểm, chưa xử phạt xe quá hạn trong vòng 15 ngày
Để giải quyết những căng thẳng trong công tác đăng kiểm hiện nay, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị chưa xử phạt phương tiện quá hạn đăng kiểm trong 15 ngày để người dân tiếp tục đi kiểm định. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó việc thiếu hụt đăng kiểm viên...
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm xe cơ giới, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (Nghị định 139) theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển.
ĐỀ XUẤT XE QUÁ HẠN ĐĂNG KIỂM 15 NGÀY VẪN ĐƯỢC DI CHUYỂN
Hiện nay, các đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra khiến việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, dẫn đến hiện tượng ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới xuất hiện trở lại và ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại Hà Nội, TP. HCM và một số các tỉnh thành…
Điều này làm tăng nguy cơ đứt gãy, thậm chí sụp đổ hệ thống, mất khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại hơn 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Hiện 55/281 đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM...
Theo tính toán, khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở TP.HCM, thậm chí có tháng chỉ đạt khoảng 30% ở cả hai thành phố trên.
Tình trạng chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt đăng kiểm, thậm chí người dân phải sang các tỉnh lân cận để xếp hàng chờ đăng kiểm, dù tổng thời gian kiểm tra xe chỉ mất khoảng 20-30 phút, khiến người dân rất mệt mỏi và bức xúc.
Không chỉ vậy, việc quá tải đăng kiểm cũng gây khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Các chủ phương tiện đều chung nỗi lo bị xử phạt tiền và tước giấy phép vì hết hạn kiểm định mà vẫn lưu thông trên đường.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cố gắng hết sức điều động, huy động nhân lực, sử dụng cả các đăng kiểm viên đang được tại ngoại để duy trì hoạt động của các đơn vị đăng kiểm nhưng tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực đăng kiểm viên vẫn vô cùng căng thẳng.
Trước tình trạng nan giải trên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung khẩn cấp một số quy định của Nghị định 139, để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô hiện nay.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.
Bên cạnh đó, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng QCVN 103:2019/BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới được phép hoạt động kiểm định xe ô tô.
Đáng chú ý, "cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định", Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, các phương tiện không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
CÁCH NÀO GIẢI BÀI TOÁN THIẾU HỤT ĐĂNG KIỂM VIÊN?
Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ công tác đăng kiểm trong thời gian trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung khẩn cấp một số quy định của Nghị định 139.
Theo quy định hiện nay, mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên bậc cao.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho ngành đăng kiểm hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất quy định mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra.
Từ đó, tận dụng được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
"Giảm thời gian thực tập thay vì học viên phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên như trước đây", Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị nếu là người có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô từ 36 tháng trở lên sẽ chỉ cần 3 tháng thực tập, với điều kiện có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.
Còn từ 24 tháng đến dưới 36 tháng kinh nghiệm cần 6 tháng thực tập, từ 12 tháng đến dưới 24 tháng thì thời gian thực tập tối thiểu là 9 tháng.
Đối với việc ký hợp đồng với các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ xem xét chấp thuận cho Bộ được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị bãi bỏ Điều 26 quy định về số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, không giới hạn công suất, thay vào đó là căn cứ theo thực tế tình trạng phương tiện vào kiểm định và thời gian làm việc có thể kéo dài để phát huy hết năng lực của trung tâm đăng kiểm.
Bộ Giao thông vận tải cũng mong muốn Thủ tướng cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139.