Kiến nghị nhiều vấn đề thúc đẩy du lịch phát triển bền vững

Ngày 5/5, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Văn Tuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh về việc thực hiện Luật Du lịch.

Kiến nghị nhiều vấn đề thúc đẩy

 Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch cho thấy: Ngành du lịch của địa phương hiện được xác định là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận (gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao).

Chính vì vậy, Luật Du lịch đối với công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định. Hiện tại,tỉnh Bình Thuận đang thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo các quy định của Trung ương.

Tuy nhiên, để kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển du lịch phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp trong một số lĩnh vực có nhiều bức xúc như: Cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện, chấp thuận chủ trương đầu tư; chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng…để giải quyết công việc cho các doanh nghiệp nhanh gọn, kịp thời.

Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết việc giải quyết vướng mắc về đất đai, chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch khai thác khoáng sản titan còn nhiều bất cập; thiếu chính sách khuyến khích đầu tư dự án du lịch ở những vùng khó khăn, cũng như thu hút các dự án có quy mô lớn, loại hình mới. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư hoàn thiện, các thiết chế văn hóa (bảo tàng, thư viện, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí, ẩm thực về đêm…) chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ du khách… Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch hiệu quả còn thấp; công tác phối hợp quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải tại các cơ sở kinh doanh du lịch chưa chặt chẽ.

Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao và Du Lịch Bình Thuận kiến nghị Quốc hội cần xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Du lịch để có quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của địa phương (cấp huyện) trong việc kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn.

Trong đó, có việc kiểm tra giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch; có quy định hướng dẫn cụ thể đối với các loại hình shophouse, condotel, officetel, farmstay (đây là loại hình đang được các nhà đầu tư quan tâm).

Đối với các Bộ, ngành cần quan tâm xem xét điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Bình Thuận nhằm tạo điều kiện để phát triển du lịch của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ hệ thống giao thông đối ngoại của Bình Thuận.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Bình Thuận đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thời gian qua.

Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn của tỉnh; đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy thành quả đạt được để hoàn thành các công việc tốt hơn. Những kiến nghị của địa phương, Đoàn sẽ ghi nhậnvà đề nghị ra Bộ ngành liên quan xem xét trong thời gian sớm nhất, để tạo điều kiện cho địa phương có thêm nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển bền vững hơn.

Q. Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/kien-nghi-nhieu-van-de-thuc-day-du-lich-phat-trien-ben-vung-137267.html