Kiến nghị 'nóng' của cử tri trong tình hình mới
Sau 4 tháng giãn cách xã hội, cử tri TP HCM đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm hơn đến tình trạng cho vay lãi nặng cũng như hỗ trợ lao động trở lại thành phố làm việc
Ngày 7-10, đơn vị số 2 - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 2 QH khóa XV. Đơn vị số 2 gồm Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển; Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến và Phó Giám đốc Công an TP HCM Nguyễn Sỹ Quang.
Cần hỗ trợ đón lao động trở lại
Nguyện vọng trở về quê, thiếu hụt lao động khi nới lỏng giãn cách là những vấn đề được cử tri 3 quận đặc biệt quan tâm, phản ánh tại buổi tiếp xúc. Cử tri Đoàn Mạnh Hường (quận Bình Thạnh) cho rằng sau 4 tháng chưa về thăm người thân cũng như chưa có việc làm ngay nên nhiều người muốn về quê là điều dễ hiểu. Đây là lý do chính đáng nên các ĐBQH cần quan tâm, có ý kiến để tạo điều kiện cho bà con đăng ký về từng đợt một để tránh lây lan dịch cũng như bảo đảm an toàn. Ngoài ra, khi thành phố dần phục hồi sản xuất - kinh doanh thì các cấp cũng cần xây dựng chính sách để hỗ trợ lao động trở lại thành phố làm việc.
Bộ Tư lệnh TP HCM tiếp nhận thông tin người đăng ký về quê qua 2 đường dây nóng 069.652.401 và 02866.822.000. Bên cạnh đó, tổ trưởng tổ dân phố, khu phố chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách rồi gửi lên UBND phường - xã - thị trấn. Tính đến chiều 9-10, quận Tân Bình thống kê khoảng 1.000 trường hợp đăng ký về quê. Những quận, huyện khác đang ráo riết tiếp nhận thông tin, tổng hợp danh sách.
Tương tự, cử tri Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch LĐLĐ quận 1, đề nghị Chính phủ hỗ trợ đón công nhân các tỉnh về lại thành phố. Thời gian qua, công nhân về quê đông nên nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu hụt lao động "xanh". Trong khi đó, DN thường xuyên phải tăng ca.
Thông tin đến cử tri, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến chia sẻ trước việc người dân tự phát về quê thành từng đoàn dễ gây khó khăn cho các tỉnh, thành khác vì nếu không cẩn thận sẽ vô tình mang dịch về quê. Do đó, TP HCM đã chỉ đạo triển khai đến các quận, huyện, phường, xã vận động cho người dân đăng ký nhu cầu về quê với chính quyền địa phương, để thành phố có công tác phối hợp với các tỉnh, thành, tổ chức cho người dân về quê an toàn.
Thông tin thêm với cử tri, Phó Giám đốc Công an TP HCM Nguyễn Sỹ Quang cho biết tối 30-9, ông gặp nhiều người ở huyện Bình Chánh thì đa phần ai cũng có nguyện vọng được về quê sau 4 tháng thành phố siết chặt giãn cách để thăm gia đình và chờ thành phố trở lại bình thường. "Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc này, TP HCM đã phối hợp với các địa phương để thu xếp cho người dân về quê trật tự, an toàn. Việc người dân tự phát về quê rất nguy hiểm nên TP HCM cố gắng tạo điều kiện để người dân tiếp tục ở lại cùng thành phố phục hồi sản xuất" - ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang nói.
Phải trị tận gốc "tín dụng đen"
Về vấn đề an ninh trật tự, cử tri Nguyễn Thế Định (quận 1) lo lắng sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội sẽ phát sinh nhiều tệ nạn, nhất là vấn nạn "tín dụng đen" có nguy cơ bùng phát bởi nhiều người, nhất là buôn bán nhỏ đang rất cần vốn để hoạt động trở lại. Do đó, ông mong muốn ĐBQH nên quan tâm đến công tác an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là loại tội phạm cho vay lãi nặng trên địa bàn thành phố.
Về việc này, Phó Giám đốc Công an TP HCM Nguyễn Sỹ Quang nhìn nhận sau khi TP HCM nới lỏng thì sẽ dẫn theo một số vấn đề về an ninh trật tự. Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, hiện nay lưu lượng người dân ra đường lớn tương ứng với số người đã tiêm đủ vắc-xin. TP HCM có khoảng 96% người dân đã tiêm mũi 1 và trên 60% người dân đã tiêm mũi 2. Do đó, lượng người đủ điều kiện ra đường là khá lớn, kéo theo tội phạm và tội phạm đặc trưng là tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản như cướp giật, tín dụng đen... "Rõ ràng sau khi nới lỏng, người dân cần tiền để làm ăn, phục hồi sản xuất. Nếu tiếp cận ngân hàng khó khăn thì người dân sẽ tìm đến các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Việc này rất nguy hiểm cho người dân. Bên cạnh đó, các tội phạm về lừa đảo, tội phạm liên quan vật tư y tế, tội phạm ma túy sẽ quay về quy luật cung - cầu…" - ĐB Nguyễn Sỹ Quang phân tích. Ông cho rằng để ngăn ngừa, hiện Công an TP HCM đã có kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có loại tội phạm mà cử tri đề nghị.
Sẽ kiến nghị mở rộng các gói hỗ trợ
Trước đó, đơn vị số 4 - Đoàn ĐBQH TP HCM gồm Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Văn Thị Bạch Tuyết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Trần Hoàng Ngân và Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận 12. Tại các điểm cầu, cử tri quận 12 đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các chính sách an sinh xã hội cho người dân. Cử tri Trần Minh Quang, phường Thạnh Lộc, đề nghị ĐBQH nên có kiến nghị bổ sung các gói an sinh, chăm lo cho người dân gặp khó khăn vì đại dịch; có chính sách giúp các DN, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất sau thời gian ngưng hoạt động.
Chia sẻ với khó khăn của cử tri quận 12, ĐBQH Trần Hoàng Ngân thông tin Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản hỗ trợ các chính sách như giảm thuế, giãn thuế, giảm phí, lệ phí; ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất... Tuy nhiên, sắp tới, Đoàn ĐBQH TP HCM sẽ có ý kiến với Chính phủ, QH để mở rộng các gói hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh.