Kiến nghị phòng ngừa tội phạm tham nhũng

Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đối với tội phạm tham nhũng trên địa bàn, không để xảy ra vi phạm tương tự như trên, Viện trưởng VKSND thị xã Gò Công kiến nghị Chủ tịch UBND cùng cấp cần áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Liên ngành Công an, VKSND thị xã Gò Công họp bàn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Liên ngành Công an, VKSND thị xã Gò Công họp bàn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Bình Đông, thị xã Gò Công về việc thực hiện pháp luật về thanh tra; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và quản lý tài chính (từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/5/2018), qua quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra thị xã Gò Công kết luận, bộ phận tài chính, kế toán và thủ quỹ của UBND xã Bình Đông có những sai phạm nghiêm trọng nên chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an thị xã Gò Công để xử lý theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra phát hiện: Lê Cao Quý Lộc (ngụ ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông, thị xã Gò Công), trong khoảng thời gian làm thủ quỹ tại UBND xã Bình Đông, từ tháng 3/2017 đến ngày 31/5/2018, đã chiếm đoạt số tiền của đơn vị mà mình có trách nhiệm bảo quản. Cụ thể, số tiền mặt của nguồn hỗ trợ sản xuất lúa sau khi rút về (rút nhiều lần) mà Lộc đã chiếm đoạt là 260.000.000 đồng; số tiền mặt của nguồn hỗ trợ nhà ở sau khi rút về (rút nhiều lần) là 80.000.000 đồng, Lộc đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Tổng cộng, Lộc đã chiếm đoạt 340.000.000 đồng.

Đối với Huỳnh Thị Thu Hồng (ngụ ấp Năm Châu, xã Bình Đông, thị xã Gò Công), trong khoảng thời gian công tác tại UBND xã Bình Đông với chức danh là công chức kế toán, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/5/2018, Hồng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của đơn vị. Cụ thể:

Về nguồn thu lệ phí chứng thực: Số tiền thực thu (qua kiểm tra các biên lai đã sử dụng) là 75.840.000 đồng, nhưng số tiền thực nộp Kho bạc là 40.183.000 đồng, số tiền không nộp vào Kho bạc là 35.657.000 đồng.

Về nguồn thu hoa chi chợ: UBND xã Bình Đông có hợp đồng với ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công) khoán thu hoa chi chợ hàng tháng là 350.000 đồng. Từ năm 2016 đến tháng 4/2018, ông Hoàng có nộp tổng số tiền là 9.800.000 đồng cho Hồng, nhưng Hồng đã sử dụng vào mục đích cá nhân mà không nộp vào Kho bạc.

Về nguồn thu tiền Quỹ Đền ơn đáp nghĩa: Trong năm 2017, Hồng nhận 43.000.000 đồng từ Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang và “mạnh thường quân” ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã. Hồng có giao cho Lộc 10.000.000 đồng để nộp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã và chi 5.000.000 đồng trả tiền vật tư cho căn nhà của bà Phạm Thị Mai (ngụ ấp Cộng Lạc, xã Bình Đông, thị xã Gò Công). Còn lại 28.000.000 đồng, Hồng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Về nguồn thu cố định của xã, bao gồm: thu phạt trong lĩnh vực an ninh trật tự, thu phạt trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, thu cho thuê Trung tâm Văn hóa - Thể thao của xã thì các bộ phận thực hiện thu, ra biên lai xong sẽ quyết toán với Hồng. Hồng chịu trách nhiệm quyết toán và nộp vào Kho bạc Nhà nước thị xã Gò Công. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp thu số tiền 44.226.640 đồng, Hồng không nộp vào ngân sách.

Về nguồn hỗ trợ sản xuất lúa và hỗ trợ thiệt hại hạn mặn: trong năm 2016, 2017, số tiền hỗ trợ sản xuất lúa mà Hồng quyết toán khống với thị xã là 30.382.258 đồng; Hồng cũng chiếm đoạt số tiền hỗ trợ thiệt hại hạn mặn rút về chi còn dư là 4.480.000 đồng.

Về nguồn hỗ trợ nhà ở và điện hộ nghèo: thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, Hồng đã chi và làm hồ sơ quyết toán với số tiền 500.000.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế Hồng chỉ mới chi 494.000.000 đồng, còn nợ 6.000.000 đồng chưa chi; Việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, Hồng trình bày số tiền 203.546.000 đồng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa chi cho các hộ dân.
Như vậy, tổng số tiền mà Huỳnh Thị Thu Hồng chiếm đoạt là 295.665.299 đồng.

Với hành vi phạm tội trên, Lê Cao Quý Lộc và Huỳnh Thị Thu Hồng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Các bị cáo đã bồi hoàn thiệt hại và chịu hình phạt nghiêm khắc. Cụ thể, hành vi của Lê Cao Quý Lộc đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự, Huỳnh Thị Thu Hồng đã phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự. Đối với các lãnh đạo UBND xã Bình Đông đều thừa nhận, trong công tác quản lý đối với lĩnh vực mình phụ trách còn nhiều thiếu sót dẫn đến những sai phạm như nội dung trong Kết luận số 03 ngày 28/9/2018 của Chủ tịch UBND thị xã Gò Công nêu ra, dẫn đến việc Huỳnh Thị Thu Hồng đã chiếm đoạt của đơn vị số tiền là 295.665.299 đồng, Lê Cao Quý Lộc chiếm đoạt của đơn vị số tiền là 340.000.000 đồng, nên phải bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền…

VKSND thị xã Gò Công tại buổi làm việc với Đoàn công tác của VKSND tỉnh Tiền Giang.

VKSND thị xã Gò Công tại buổi làm việc với Đoàn công tác của VKSND tỉnh Tiền Giang.

Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đối với tội phạm tham nhũng trên địa bàn, không để xảy ra vi phạm tương tự như trên, Viện trưởng VKSND thị xã Gò Công kiến nghị Chủ tịch UBND cùng cấp cần áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật:

Một là, triển khai thi hành đồng bộ Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kết hợp chặt chẽ với việc xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người có hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Hai là, thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước. Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng kết hợp với việc có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, lối sống.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí với kiên quyết đấu tranh với nạn bè cánh, “ô dù”, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bốn là, chỉ đạo UBND xã, phường chú trọng công tác tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ bảo đảm nguyên tắc cán bộ phải là người có đức, có tài, “lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”, vì công việc mà bố trí cán bộ chứ không phải vì cán bộ mà bố trí công việc, tránh tình trạng nể nang, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công ...

Sáu là, thông báo tới UBND các xã, phường về các hành vi phạm tội như trên, chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu thường xuyên, khi phát hiện vi phạm phải báo cáo kịp thời đến cơ quan chức năng và chuyển đổi vị trí, việc làm ngay.

Mai Văn Hóa

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/kien-nghi-phong-ngua-toi-pham-tham-nhung-95350.html