Kiến nghị quan tâm đến người hoạt động không chuyên trách, thúc đẩy phát triển xã hội số

Ngày 25/4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Long An đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đà Nẵng: Kiến nghị hỗ trợ tìm việc cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Các đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã lắng nghe và phản hồi ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố về tiến độ thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; hỗ trợ việc làm cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi kết thúc nhiệm vụ; định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới…

Nhiều cử tri bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng khi sắp tới sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở. Cử tri Nguyễn Thị Ái Ly (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, chị là cán bộ không chuyên trách hơn 10 năm nay. Chính sách hỗ trợ dành cho người hoạt động không chuyên trách hiện nay chưa hợp lý, vì còn phân biệt giữa người giữ các chức danh do bầu cử và không bầu cử (điểm 2, điều 9, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế); cần đánh giá theo thời gian công tác, đảm nhận các chức vụ của từng người. Cử tri này cho rằng, thành phố cần có chính sách hỗ trợ tìm việc, chế độ ưu tiên tuyển dụng riêng cho người hoạt động không chuyên trách. Bởi vì lực lượng này hầu hết đã hơn 35 tuổi nên rất khó xin việc.

Cử tri Nguyễn Thị Hương (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) cho rằng, hiện nay, lực lượng người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường đa phần là đảng viên, có năng lực tốt, thông thạo công nghệ số, nắm chắc tình hình khu dân cư, các vấn đề trên địa bàn. Vì vậy, thành phố cần cân nhắc bố trí đội ngũ không chuyên trách tham gia làm cán bộ chủ chốt ở thôn, tổ dân phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, lãnh đạo thành phố luôn ghi nhận, trân trọng, đánh giá cao vai trò, công sức của người hoạt động không chuyên trách thời gian qua, đóng góp vào thành công chung trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo định hướng của Trung ương, trong công cuộc đổi mới, lực lượng không chuyên trách sẽ chuyển giao vai trò, trách nhiệm lại cho lực lượng cán bộ chuyên trách. Lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu các chế độ, chính sách và việc bố trí, sử dụng lực lượng không chuyên trách phù hợp với yêu cầu mới...

Hiện Đà Nẵng có hơn 900 người hoạt động không chuyên trách, tại Quảng Nam còn nhiều hơn. Vì vậy, HĐND hai địa phương đang bàn bạc để xây dựng cơ chế, chính sách chung, thực hiện đồng bộ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Quốc hội có những chính sách hỗ trợ phù hợp, thỏa đáng.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, sau khi sáp nhập với Quảng Nam, quy mô thành phố Đà Nẵng sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay với diện tích khoảng 12.000 km2, dân số hơn 3 triệu người, là một địa phương diện tích, dân số lớn trong cả nước. Sau khi sáp nhập, Đà Nẵng sẽ có điều kiện để phát triển, tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù. Quảng Nam với nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa sau khi sáp nhập sẽ giúp thành phố Đà Nẵng mới phát triển hơn trong thời kỳ vươn mình của đất nước.

Long An: Cần có chính sách hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hải thông tin một số nội dung dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp, nhất là về công tác lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ tại địa phương; phân cấp, phân quyền, triển khai quy hoạch tỉnh và đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 9.

Cụ thể, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", các đại biểu kiến nghị cần sớm ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn quy định về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các tổ chức Nhà nước để thu hút, giữ chân nhân tài; có chính sách hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy phát triển xã hội số; hướng dẫn việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan Nhà nước, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước...

Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp vĩ mô nhằm thích ứng kịp thời, hiệu quả đối với tác động của xung đột thương mại trong thời gian qua đến Việt Nam; ảnh hưởng đến xuất khẩu; sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành đầy đủ các luật, văn bản hướng dẫn thực hiện các luật mới được ban hành nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay. Các cơ quan cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy đầu tư đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, liên kết vùng… Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh để sớm đưa vào khai thác; sớm mở rộng Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, thực hiện dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng Quốc lộ 62, đầu tư tuyến Quốc lộ N1, mở rộng Quốc lộ N2; dự án giao thông kết nối Long An - Tây Ninh khi thực hiện sát nhập tỉnh…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An ghi nhận đóng góp của đại biểu. Ông đề nghị, đối với những vấn đề liên quan đến các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, các sở, ngành và UBND tỉnh cần kiến nghị theo từng lĩnh vực và có đề xuất cụ thể để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, tổng hợp, kiến nghị tại các phiên họp, họp tổ tại kỳ họp tới; góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Quốc Dũng - Tây An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/kien-nghi-quan-tam-den-nguoi-hoat-dong-khong-chuyen-trach-thuc-day-phat-trien-xa-hoi-so-20250425154347066.htm