Kiến nghị Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động
Sáng 19-12, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang có buổi giám sát Sở Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn Kiên Giang.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Kiên Giang, năm 2023, tỉnh được bố trí 5 dự án với giá trị 562 tỷ đồng, tất cả đều thuộc danh mục, dự án có thể triển khai theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
“Do mới được bố trí vốn nên thực hiện theo quy trình về các thủ tục đấu thầu lập dự án, đấu thầu thiết kế - dự toán… mất rất nhiều thời gian. Tiến độ giải ngân 5 dự án chỉ được 233,2 tỷ đồng, đạt 41,5%, trong đó giải ngân đạt thấp nhất chỉ 3,3% là dự án nâng cấp, cải tạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh với kế hoạch vốn phân bổ 100 tỷ đồng”, đồng chí Đoàn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Tài chính Kiên Giang nói.
Trong công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm, Sở Tài chính Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang cho vay thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng số kinh phí 19,5 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang giải ngân đúng theo số tiền ngân sách tỉnh đã ủy thác.
Sở Tài chính Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang bổ sung kinh phí 15,2 tỷ đồng cho các huyện, thành phố; trong đó, hỗ trợ 9.077 người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp 13,17 tỷ đồng, hỗ trợ 1.308 người lao động quay trở lại thị trường lao động hơn 2 tỷ đồng.
Nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp vượt khó, đồng chí Đoàn Văn Đức kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như chế biến thủy sản, vận tải hàng hóa, hành khách, du lịch, ăn uống…
Đối với 5 dự án thuộc chương trình năm 2023 do mới được bố trí vốn nên thủ tục đầu tư chậm, đồng chí Đoàn Văn Đức kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2025.
Kết thúc buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang đánh giá cao việc Sở Tài chính tham mưu kịp thời việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội; phối hợp các ngành chức năng triển khai nguồn lực được phân bổ đến địa phương, các ngành.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH