Kiến nghị sửa đổi 3 chính sách trong xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)
Chiều 8/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị về tình hình chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và công tác phối hợp giữa hai cơ quan.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn để có thể gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời gửi đến Ủy ban Xã hội, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra trước 1/3/2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ngoài việc xây dựng, sửa đổi Luật Công đoàn, Ủy ban Xã hội của Quốc hội còn muốn xin ý kiến Tổng Liên đoàn về một số luật khác, liên quan người lao động, như bảo hiểm xã hội, Công ước quốc tế, Luật Bình đẳng giới (vai trò của lao động nữ)…
Do đó, Ủy ban mong muốn hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cùng hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động trong tương lai, cũng như góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đất nước.
Báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, đây là lần sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn để về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 02 NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Đề án định hướng chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.
Quá trình thực hiện Tổng Liên đoàn lao động đã triển khai công việc cụ thể theo quy định. Đơn vị thành lập 3 đoàn khảo sát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Luật Công đoàn tại 13 tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương. Tổng Liên đoàn lao động đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; xin ý kiến góp ý vào đề nghị xây dựng luật gửi các cơ quan theo quy định của Luật Ban hành quy phạm pháp luật…
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động cho biết, tổ chức Công đoàn đề nghị sửa đổi 3 chính sách trong xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Cụ thể:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động.
Sửa đổi, bổ sung Điều 23 bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức cho từng địa phương theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách. Làm rõ việc tuyển dụng, định danh và chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Sửa đổi Điều 14 theo hướng tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; chủ động thực hiện quyền giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”.
Chính sách 2: Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung quy định về phân phối kinh phí công đoàn, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, phù hợp Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019.
Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Những hành vi bị nghiêm cấm) theo hướng quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn.
Sửa đổi, bổ sung Điều 10 Luật Công đoàn về đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
Sửa đổi, bổ sung Điều 17 về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…
Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các điều trong Luật cũng như với hệ thống pháp luật, nhất là với Bộ Luật lao động 2019.
Góp ý kiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, việc sửa đổi luật lần này có dư địa lớn để lồng ghép bình đẳng giới, bảo đảm quyền và lợi ích cho cả lao động nữ và lao động nam.
Ngoài 3 chính sách Tổng Liên đoàn kiến nghị, đại biểu mong chờ những chính sách cụ thể, liên quan quyền lợi của người lao động nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đón đầu những thách thức từ thực tiễn đối với người lao động, tổ chức công đoàn cũng như có quy định cụ thể về chức năng giám sát, phản biện xã hội, chức năng quan trọng của các tổ chức chính trị-xã hội, bảo vệ tốt nhất người lao động trong tình hình mới.
Các đại biểu đánh giá cao cố gắng của Tổng Liên đoàn trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn đã được Tổng Liên đoàn chuẩn bị bài bản, khoa học, công phu.
Đề nghị thời gian tới tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Liên đoàn với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chuẩn bị công tác thẩm tra dự án Luật trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng Liên đoàn đề nghị Ủy ban quan tâm, nghiên cứu để sớm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về việc giảm giờ làm chính thức cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần; đồng thời có chiến lược hướng tới lương đủ sống để nâng cao đời sống cho người lao động.