Kiến nghị tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm trên không gian mạng và phân luồng học sinh trung học cơ sở

Ngày 10-7, tại phiên thảo luận cụm tổ 4 HĐND tỉnh (gồm đại biểu HĐND 3 huyện: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú) trước Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong 6 tháng đầu năm; đề xuất nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024.

Tổ trưởng cụm tổ 4 HĐND tỉnh, Chủ tịch HĐND huyện Định Quán Trần Hữu Hạnh, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CTV

Tổ trưởng cụm tổ 4 HĐND tỉnh, Chủ tịch HĐND huyện Định Quán Trần Hữu Hạnh, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CTV

Theo đó, các đại biểu kiến nghị tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch; ngăn ngừa gia tăng tai nạn lao động; xem xét mở rộng quy mô trung tâm cai nghiện bắt buộc; quyết liệt hơn trong ngăn ngừa thực phẩm bẩn…

Đặc biệt các đại biểu cũng quan tâm thảo luận nhiều về các giải pháp ngăn ngừa tội phạm trên không gian mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao ngày càng tinh vi và ngày càng hoành hành, nếu không có “vaccine” phòng ngừa hiệu quả thì thiệt hại sẽ càng lớn.

Do đó, bên cạnh tăng cường đấu tranh, xử lý loại tội phạm này, các đại biểu kiến nghị cần chú trọng nhóm giải pháp truyền thông phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho người dân. Trách nhiệm này không phải chỉ ngành truyền thông, ngành công an mà phải đồng bộ cả hệ thống chính trị.

Ngoài ra, vấn đề phân luồng học sinh trung học cơ sở cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, 18 tuổi học hết trung học phổ thông (THPT) các gia đình mới yên tâm cho con em đi học nghề, lúc đó mới chín chắn.

Một số đại biểu cho rằng, việc phân luồng học sinh trung học sơ sở là không phù hợp, các em còn quá nhỏ. Đa số các em không thì đậu vào lớp 10 công lập mới phải ra học nghề. Nhóm này là các em học kém, tuổi đời nhỏ, phải xa nhà vừa học nghề, vừa học văn hóa; điều kiện như vậy quá khó khăn. Thực trạng một số em ở huyện không vào học lớp 10 công lập THPT thì không lên thành phố Biên Hòa để học nghề mà bỏ học. Do đó cần phải tính toán tới các huyện không có THPT tư thục thì các em học ở đâu nếu không vào được công lập, để hạn chế học sinh nghỉ học...

Thư Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202407/kien-nghi-tang-cuong-giai-phap-phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang-va-phan-luong-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-f1c45b2/