Kiến nghị tạo 'luồng xanh' cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị cần sớm có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có thể tiếp tục thu mua lúa cho nông dân và xuất khẩu những đơn hàng đã ký kết.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương làm việc trực tuyến với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp ngày 12/8. Ảnh: TD.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương làm việc trực tuyến với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp ngày 12/8. Ảnh: TD.

Đơn hàng có nhưng khó xuất khẩu

Ngày 12/8, “Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp” của Bộ Công Thương (Tổ Công tác đặc biệt) đã có cuộc làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp về vấn đề thu mua, xuất khẩu gạo và nông sản

Tại cuộc họp, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết, nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua thì tháng 8 này, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy vậy theo báo cáo của bên giao nhận, khả năng đi được tối đa chỉ 30.000 - 35.000 tấn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Đỗ Hà Nam những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho tập trung đông người, phải giãn cách 2m, dẫn tới không bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container; Đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh; xà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được…

Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với các hệ thống từ cảng, địa phương… để gỡ các ách tắc hiện nay vì chỉ cần 1 khâu trong đó tắc thì nguyên chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Phương Đông đề xuất, cần ưu tiên tiêm vaccine đồng loạt cho chuỗi cung ứng lúa gạo. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” kéo dài cũng gặp nhiều khó khăn.

Còn theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát, doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án "1 cung đường 2 điểm đến", tuy nhiên khi thu mua lúa gạo phải vào trong các vùng dân cư nên không kịp về trước 6 giờ tối theo quy định của các địa phương nên đành bỏ lúa ngoài đồng. Do đó cần có giải pháp gỡ khó lưu thông cho khâu thu mua hiện nay.

Sớm tạo “luồng xanh” cho lưu thông lúa gạo

Trước những khó khăn trên, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị xem xét gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 lên 5 ngày để tận dụng các xà lan lớn vận chuyển hàng hóa.

Đồng thời, tạo chính sách luồng xanh trong lưu thông lúa gạo đường thủy nội địa theo hai cung đường: Cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistic. Cùng với đó, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp (tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh) để hỗ trợ thu mua lúa.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo cũng kiến nghị địa phương có cơ chế cho lao động của nhà máy sản xuất lúa gạo được di chuyển trong giờ giới nghiêm bởi việc thu mua lúa gạo trong vùng dân cư không về kịp trước 18 giờ; công nhân nhập lúa đến 22 giờ.

Ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội, tại cuộc họp, Tổ công tác của Bộ Công Thương đã kết nối Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Đại diện Tổ công tác của Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất - lưu thông - xuất khẩu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động xây dựng quy trình “3 tại chỗ” phù hợp tình hình của từng đơn vị và từng địa phương.

Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị có hướng dẫn cụ thể về “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” cũng như giải quyết các trường hợp khi doanh nghiệp có ca F0.

Về vấn đề test COVID-19, Tổ công tác sẽ xem xét đề xuất thành lập các điểm test nhanh tại chỗ để tăng tốc độ lưu thông cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin đối với việc thanh kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của các Bộ ngành, Sở Công Thương và chính quyền các địa phương để kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước.

Ngay sau cuộc họp ngày 12/8, Bộ Công Thương đã có công văn số 4889/BCT-XNK kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính tài sản thu mua.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kien-nghi-tao-luong-xanh-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-20210812192445768.htm